Trả lại vẻ đẹp cho "Con đường gốm sứ ven sông Hồng"

Công trình "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" khánh thành tháng 10-2010, với chiều dài gần 4 km, chạy từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp, trên đường Yên Phụ. Công trình được UBND thành phố Hà Nội gắn biển chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao bằng chứng nhận bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới. Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy bốn năm, công trình văn hóa nghệ thuật này đang xuống cấp nghiêm trọng...

Con đường gốm sứ ven sông Hồng đoạn đi qua cửa khẩu Cầu Ðất bong tróc một mảng lớn, trở thành nơi bị một số người thiếu ý thức phóng uế, đổ rác thải bừa bãi.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng đoạn đi qua cửa khẩu Cầu Ðất bong tróc một mảng lớn, trở thành nơi bị một số người thiếu ý thức phóng uế, đổ rác thải bừa bãi.

Ði dọc con đường gốm sứ ven sông Hồng trong cái nóng nực đầu hè, chúng tôi thấy có cả trăm vết nứt trên các bức tranh, vết ngắn thì vài cm, vết dài kéo đến hơn mười mét. Nhiều đoạn bị bong tróc từng mảng họa tiết, khiến bức tranh trở nên nham nhở, xấu xí. Tại đoạn giao với cửa khẩu Cầu Ðất, là một mảng tranh gốm sứ bị vỡ, trống hơ trống hoác với chiều rộng khoảng 80 cm, chiều cao lên đến 1,2 m. Ngay bên dưới cũng là một mảng vỡ 60 x 80 cm. Cách đó không xa, chỉ khoảng 2,5 m là nơi bức tranh được "vá", "chắp" bằng xi-măng một cách cẩu thả, hệt như người ta xây một bức tường vụng. Tại khu vực đường lên cầu Chương Dương, bức tranh gốm cũng bị hư hại nặng, bong ra mảng lớn rộng khoảng 4 m. Ðoạn cột đèn đánh số 2916 quá cửa khẩu Tân Ấp khoảng 20 m, cũng xuất hiện vết nứt dài hàng chục mét.

Không chỉ vậy, khi nhìn kỹ hơn, chúng tôi còn thấy có rất nhiều đoạn bức tranh gốm sứ được "tu bổ", "tôn tạo" rất thiếu thẩm mỹ bằng những viên gạch men trắng, hay những vật liệu nhặt ở đâu vào, mầu sắc, chất liệu chẳng hề ăn nhập với bức tranh, hệt như những vết sẹo xấu xí.

Nhiều nơi trên con đường gốm sứ bị ô nhiễm, vấy bẩn, trở thành điểm tập kết rác thải dân sinh, trở thành nơi để những người dân thiếu ý thức phóng uế bừa bãi. Không khó để có thể đếm được hàng chục cột đèn bên đường trở thành nơi tiểu tiện lộ thiên và những túi ni-lông đựng rác thải chất trên vỉa hè. Tại cửa khẩu Cầu Ðất, chúng tôi thấy bàn ghế gỗ, gốc cây, bạt, bao tải, cây xanh, rác thải tập trung cao ngất. Tại cửa khẩu Chương Dương Ðộ, có một ghế đệm sa-lông to bị vứt bừa bãi nhiều ngày không ai thu dọn, ở gần giữa con đường gốm sứ là hàng chục mét dây điện sà xuống vắt qua... Như vậy, dù rất có giá trị về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, nhưng sức hấp dẫn, vẻ đẹp của con đường gốm sứ đã ngày một giảm đi bởi sự thiếu ý thức, trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn của tất cả mọi người.

Chung quanh vấn đề xuống cấp nghiêm trọng của con đường gốm sứ, khi làm việc với Trưởng phòng Thực hiện dự án, Ban Quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội (BQLCTÐTHN) Trương Ngọc Quang, chúng tôi được biết: Nguyên nhân nứt, vỡ có thể do con đường nằm tại nơi có nhiều sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết, có lượng xe tải qua lại nhiều gây nên độ rung lớn. Sự không ăn khớp giữa kết cấu bê-tông và gạch cũng gây nên hiện tượng nứt, vỡ nói trên. BQLCTÐTHN nhận bàn giao quản lý con đường gốm sứ ven sông Hồng từ tháng 5-2011, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội chịu trách nhiệm bảo hành công trình con đường gốm sứ đến tháng 5-2013. Sau khi hết thời hạn bảo hành công trình, BQLCTÐTHN sẽ phối hợp Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội duy tu, sửa chữa những hỏng hóc, nứt vỡ của con đường.

Ðể sửa chữa công trình nghệ thuật này không hề đơn giản. Khó khăn đầu tiên ngay ở khâu vật liệu. Các đơn vị phải đi kiểm tra các vết nứt, bong tróc, ghi lại vị trí, lập hồ sơ từng km, sau đó đặt hàng vật liệu đặc thù cho từng bức. Sau khi xác định vị trí, định vị mảng tranh gốm cần sửa, sẽ sửa chữa phần kết cấu của tường xây, xác định mẫu mã mầu gốm của bức tranh, vẽ lại chi tiết đã hỏng trực tiếp lên tường, bấm gốm lại theo chi tiết vẽ, gắn gốm bằng keo dán gạch mova...

Trước thực trạng trên, người dân Thủ đô mong muốn các cơ quan chức năng của TP Hà Nội sớm có biện pháp khắc phục để trả lại vẻ đẹp của con đường gốm sứ ven sông Hồng. Ðồng thời, mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ công trình văn hóa nghệ thuật này.

Trả lại vẻ đẹp cho "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" ảnh 1"Con đường gốm sứ đi qua địa bàn phường Phúc Tân dài 826 m, từ cầu Long Biên đến Hàm Tử Quan. Một số người thiếu ý thức ban đêm thường phóng uế ở khu vực lánh nạn gầm cầu Chương Dương. Trong thời gian tới, phường đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội nên lắp đặt nhà vệ sinh công cộng tại một địa điểm thích hợp để khách vãng lai, khách đi xe buýt có chỗ đi vệ sinh.

LÊ QUANG VÂN Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm

Trả lại vẻ đẹp cho "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" ảnh 2"Một ống mầu da cam to bằng cổ chân người được bắt vít, đâm xuyên qua bức tranh gốm sứ ngay dưới dòng chữ "Xã tắc hai lần phiền ngựa đá, non sông nghìn thủa vững âu vàng" gây vỡ, lún bức tranh, đã tồn tại tới hơn một năm nay. Không biết trong lần khắc phục, sửa chữa tới, đường ống ấy có được dỡ bỏ?".

NGUYỄN QUANG ANH (Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ)

Trả lại vẻ đẹp cho "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" ảnh 3"Phường Phúc Xá quản lý hơn 100m chiều dài con đường gốm sứ, tính từ tim cầu Long Biên đến cửa khẩu Long Biên. Phường đã có báo cáo với quận về thực trạng con đường bị xuống cấp. Phường có bố trí ba nhà vệ sinh công cộng ở chợ Long Biên. Cuối bến xe Long Biên cũng có nhà vệ sinh công cộng. Giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường, không cho phóng uế bừa bãi, trước hết là phải nâng cao ý thức người dân, sau đó là phải luôn có lực lượng chức năng túc trực, thổi còi.".

NGUYỄN QUỐC THÀNH Chủ tịch UBND phường Phúc Xá, quận Ba Ðình