TP Hồ Chí Minh đào tạo nghề hướng đến nhu cầu của doanh nghiệp

Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã đào tạo, cung cấp cho thị trường lao động hơn 247.300 công nhân có trình độ tay nghề cao, trong đó có 50.700 công nhân nữ, gần 1.200 người dân tộc thiểu số. Tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo ở bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố chiếm 13,56%; chín ngành dịch vụ chiếm 50,31% và ở tám nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN chiếm 36,13%. Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo hơn 3,9 triệu người (tổng số lao động khoảng 4,6 triệu người) đạt 84,8%.

Người dân giao dịch tại Bộ phận một cửa, Trung tâm hành chính thành phố Ðà Nẵng. Ảnh: ANH ÐÀO
Người dân giao dịch tại Bộ phận một cửa, Trung tâm hành chính thành phố Ðà Nẵng. Ảnh: ANH ÐÀO

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp được đánh giá cao ở ngành nghề thuộc lĩnh vực y tế như: Ðiều dưỡng, Dược sĩ, Y sĩ và được các cơ sở y tế công lập quan tâm tuyển dụng. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới ba tháng đáp ứng phần nào nhu cầu người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của thành phố. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo ở khối trường cao đẳng chiếm 81,76%. Một số trường 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm như: Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Lý Tự Trọng, Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ thành phố…

Ðạt kết quả này, có thể thấy, trong công tác đào tạo nghề, vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp được đặt lên hàng đầu. Các cơ sở đào tạo nghề xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ, chuyên môn cao; chủ động tìm đối tác, phối hợp xây dựng các chương trình, dự án đào tạo (đào tạo kép) nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, kỹ năng thực hành và giải quyết việc làm cho sinh viên.

Năm 2020, mục tiêu phấn đấu của các cơ sở dạy nghề là thực hiện công tác tuyển mới các trình độ đạt 461 nghìn người học; tổ chức đào tạo cho 6.415 lao động nông thôn trên địa bàn thành phố; tổ chức tốt công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động; phấn đấu tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 86%. Ðể đạt mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra là phải đổi mới hình thức tuyên truyền, tuyển sinh; tăng cường các chính sách đối với người học và mối quan hệ giữa các trường với doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp; đẩy mạnh đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học theo các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2018 - 2020.

★ Thời gian qua, TP Ðà Nẵng thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, góp phần đạt những kết quả tích cực trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy một số nơi, cán bộ vẫn còn gây phiền hà cho người dân; tình trạng xử lý hồ sơ chậm trễ, quá thời hạn quy định chưa được khắc phục.

UBND thành phố Ðà Nẵng vừa chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý, phụ trách. Thành phố yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiến hành ngay việc rà soát, bổ sung các quy định nội bộ về quy trình, sửa đổi những thủ tục hành chính không còn phù hợp; kiên quyết loại bỏ khâu trung gian, thủ tục rườm rà, chồng chéo, loại giấy tờ không cần thiết. Ðồng thời, các đơn vị rà soát nội quy, quy chế hoạt động để sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến văn hóa công vụ, nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, bố trí lại đội ngũ công chức, viên chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính; thay thế kịp thời những cá nhân có vi phạm hoặc có biểu hiện tiêu cực, thái độ không đúng mực; thường xuyên tiến hành kiểm tra công vụ. Ðể xảy ra vi phạm tại đơn vị, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã phải chịu trách nhiệm.