Ngày 6/3, Tổng thống Peru Dina Boluarte đã chỉ định nhà ngoại giao Gustavo Adrianzen - đại diện của Lima tại Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) làm Thủ tướng mới của nước này, thay thế người tiền nhiệm Alberto Otarola vừa từ chức.
Trong cuộc họp báo sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Adrianzen cam kết củng cố hai mục tiêu chủ chốt của Chính phủ Peru hiện nay, đó là tái kích hoạt nền kinh tế và tăng cường an ninh cho người dân.
Ông Adrianzen, 57 tuổi, từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ của Tổng thống Ollanta Humala (2011-2016). Năm 2015, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Pháp luật Nhà nước, sau đó được được bổ nhiệm làm đại diện của Peru tại OAS vào năm 2023.
Thủ tướng Alberto Otarola hôm 5/3 đã tuyên bố từ chức trong bối cảnh nhà lãnh đạo này bị cáo buộc lợi dụng chức quyền trong việc ký kết hợp đồng lao động của Chính phủ.
Theo luật pháp Peru, trong trường hợp một Thủ tướng rời khỏi Nội các, các thành viên khác của Chính phủ cũng sẽ phải từ chức. Sau đó, Tổng thống có quyền lựa chọn hoặc phục chức cho các thành viên Nội các đã từ nhiệm hoặc bổ nhiệm bộ trưởng mới.
Sau khi bổ nhiệm ông Adrianzen làm người đứng đầu Nội các, Tổng thống Boluarte đã quyết định giữ lại tất cả các bộ trưởng trong Chính phủ trước đó.
Cùng ngày, với 91 phiếu thuận trong tổng số 130 phiếu, Quốc hội đơn viện của Peru đã thông qua quy trình cải cách hiến pháp, trong đó bao gồm việc cho phép cơ quan lập pháp quay trở lại chế độ lưỡng viện, gồm Hạ viện và Thượng viện, kể từ năm 2026.
Theo đó, Quốc hội Peru vào năm 2026 sẽ được phân ra thành Hạ viện gồm 130 đại biểu và Thượng viện gồm 60 thành viên. Các nghị sĩ sẽ có nhiệm kỳ 5 năm như hiện nay.
Quốc hội Peru duy trì thiết chế lưỡng viện kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1821 cho đến năm 1993, thời điểm Hiến pháp được soạn thảo dưới thời Tổng thống Alberto Fujimori (1990-2000) quy định cơ quan lập pháp sẽ là đơn viện.