Đây là trách nhiệm của toàn xã hội trong việc tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi giúp trẻ được học tập, rèn luyện, phát triển nhân cách trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Ngày nay, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông khiến bí mật riêng tư có nguy cơ dễ dàng bị tiết lộ. Trong bối cảnh chung này, trẻ em là đối tượng dễ bị xâm phạm về quyền riêng tư dưới nhiều hình thức khác nhau bởi các em còn nhỏ tuổi, chưa ý thức được về các quyền của bản thân và cũng thiếu khả năng tự bảo vệ khi bị xâm phạm quyền riêng tư.
Theo Hiến pháp năm 2013 thì quyền riêng tư là một trong những quyền dân sự cơ bản nhất của con người, là quyền bất khả xâm phạm, như khoản 1 Điều 21 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Như mọi công dân khác trong xã hội, trẻ em phải được đối xử công bằng, được tôn trọng và được bảo vệ các quyền cơ bản, trong đó có quyền riêng tư. Từ quy định của Hiến pháp, các quyền này của trẻ em đã được luật hóa thông qua Luật Trẻ em năm 2016.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, các quyền này của trẻ em chưa thật sự được tôn trọng, và tình trạng trẻ em bị xâm phạm quyền riêng tư diễn ra ngày càng có xu hướng nghiêm trọng. Đáng nói, người xâm phạm quyền riêng tư của trẻ có khi lại là chính bố mẹ, người thân. Từ quan niệm cho rằng “con mình thì mình có quyền” cho nên không ít phụ huynh khá thoải mái đăng tải lên mạng xã hội nhiều thông tin về con cái, từ ảnh sinh hoạt hằng ngày đến thành tích học tập, thông tin trường học, về bạn bè, sở thích của con… Việc đăng quá rõ ràng, cụ thể thông tin của con như địa chỉ trường, lớp, số điện thoại, sở thích, ảnh chân dung,... vô hình trung mang đến những mối nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của trẻ. Bởi qua những thông tin đó, các đối tượng tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội như: lừa đảo, bắt cóc tống tiền, bắt trẻ bán ra nước ngoài, phát tán hình ảnh nhạy cảm…
Cùng với việc thường xuyên được (bị) cha mẹ đăng ảnh trên mạng, một trong những hình thức trẻ em bị xâm phạm quyền riêng tư khác là ở trường học, khi điểm số của các em được công khai trên bảng điểm và được dán ở các nơi công cộng, thậm chí điểm số được đọc ngay trên lớp học và đó là căn cứ để đánh giá, phân loại. Việc công khai xếp hạng và ai cũng có thể so sánh điểm số của mình với các bạn khác, đôi khi khiến một số học sinh có thành tích học tập không tốt phát sinh tâm lý tự ti, mặc cảm, từ đó, các em không muốn học và có tâm lý đối phó, ảnh hưởng đến thành tích học tập sau đó. Ở nhiều nước trên thế giới, đây là điều cấm kỵ, vì vậy bảng điểm số sẽ được phát riêng cho từng người, phụ huynh chỉ biết điểm số của con mình trong phong bì dán kín. Các trường học phải tuân thủ những quy định khắt khe về thông tin của học sinh, sinh viên, trong đó, nghiêm cấm các hành vi để lộ thông tin về điểm số hay thành tích cũng như thông tin cá nhân của học sinh.
Bên cạnh đó, qua việc đăng tải thông tin vi phạm các quyền riêng tư của trẻ mà báo chí cũng được xếp vào nhóm có khả năng gây nhiều tổn thương cho trẻ. Một khảo sát gần đây của Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội thực hiện trên năm tờ báo điện tử (thuộc top 50 trang web có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam) cho kết quả khiến nhiều người lo ngại: trong vòng một năm, có đến 548 bài báo có nội dung không bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em, trong số này có tới 62% số bài báo mô tả một cách chi tiết cùng với bình luận về trẻ em một cách không phù hợp, thậm chí còn gây tổn thương cho các em; 39% số bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, vùng bị tổn thương cùng với gia đình hoặc nhà cửa, trường học.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp hằng ngày trên báo chí tin tức về các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bắt bán ra nước ngoài, trẻ bị nhiễm HIV hay bệnh truyền nhiễm khác, hoặc ở một số bức ảnh báo chí đề cập một số vụ thảm án mà cha mẹ các em là nạn nhân và trẻ em xuất hiện mà không được che mặt… Đáng nói là nhiều tờ báo đưa quá chi tiết thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ của trẻ, khai thác những góc khuất trong đời sống riêng tư của các em. Việc làm này một lần nữa lại gây tổn thương cho trẻ, để lại cho trẻ vết thương nặng nề đi theo suốt cuộc đời.
Gần đây, một số chương trình giải trí trên truyền hình cũng lợi dụng hình ảnh trẻ em, tập trung khai thác quá sâu đời tư, cuộc sống cá nhân của trẻ để thu hút người xem. Hiện có khoảng 15 gameshow (trò chơi truyền hình) với nhân vật chính là trẻ em, trong đó không hiếm gặp các màn thi thố kịch tính, các video clip tập trung quá mức vào đời tư của trẻ, thậm chí còn dựng lên câu chuyện thị phi chung quanh các em nhằm câu khách, tăng rating (xếp hạng) cho chương trình. Với mật độ các chương trình dày đặc như vậy, không thể không lo ngại về việc tuổi thơ của trẻ đang bị xâm phạm, và dù muốn hay không cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ sau này. Ở các quốc gia có nền công nghiệp truyền hình phát triển đều đặt ra những quy định rõ ràng, chặt chẽ về việc trẻ em tham gia các chương trình truyền hình. Thí dụ: khi tổ chức các gameshow cho trẻ em, các đài truyền hình phải có trách nhiệm giữ kín thông tin cá nhân của các em, hạn chế khung giờ làm việc trong ngày, phải tôn trọng tuyệt đối thời gian học tập của các em.
Việt Nam đã ký kết và tham gia các tuyên ngôn, công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, trong đó những văn bản đề cập đến quyền riêng tư và quyền riêng tư của trẻ em có: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR - Việt Nam tham gia ngày 24-12-1982); Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989 (CRC - Việt Nam tham gia ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990).
Với Luật Trẻ em năm 2016, quyền riêng tư của trẻ em được đặt ra cụ thể, như Điều 21 về “Quyền bí mật đời sống riêng tư” quy định: “1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. 2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”. Khoản 11, Điều 6 về “Các hành vi bị nghiêm cấm” quy định cụ thể một trong các hành vi đó là: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.
Sau khi Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực, nhiều phụ huynh lo ngại bởi việc đưa ảnh con mình lên mạng là vi phạm và có thể bị đưa ra tòa. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì lo ngại này là không có cơ sở, cách hiểu này cũng không đầy đủ vì không phải đưa hình ảnh nào cũng là vi phạm và bị xử lý. Ngoài ra, cũng cần xem xét động cơ, mục đích của người đăng tải hình ảnh để xác định đâu là hành vi vi phạm đời sống riêng tư của trẻ. Tuy vậy, các phụ huynh cũng cần cân nhắc, thận trọng khi đăng tải các thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội.
Tôn trọng những điều riêng tư của trẻ, chính là tôn trọng nhân cách, sự phát triển lành mạnh của trẻ. Các nhà tâm lý học giáo dục đã cảnh báo, nhiều trẻ bị tổn thương nặng nề, nhiều em mất cơ hội học tập, sống không yên ổn sau khi bị xâm phạm thô bạo về quyền riêng tư. Từ hệ lụy khó lường của việc xâm phạm quyền riêng tư của con trẻ, bên cạnh sự hỗ trợ của luật pháp, thì chính cha mẹ các em cần tự ý thức về nguy cơ con mình có thể bị xâm hại quyền riêng tư bất cứ lúc nào, để từ đó, giáo dục và định hướng cho con em các kỹ năng sống cần thiết, cũng như ý thức về giá trị của bản thân để tự bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của mình.