Tôm hùm giống trôi nổi, người nuôi "mua" rủi ro

NDO -

NDĐT - Đến nay, tôm hùm giống chưa thể sản xuất nhân tạo. Người nuôi tôm hùm trong nước phần lớn đều mua giống trôi nổi trên thị trường, có nguồn gốc từ Philippines, Malaysia và Indonesia, còn lại một số ít từ tự nhiên. Nếu cách đây vài năm người nuôi chủ yếu sử dụng con giống đánh bắt từ tự nhiên, thì nay họ chuyển sang dùng giống nhập ngoại. Điều đáng nói là các loại con giống gần như mất kiểm soát trong kiểm dịch, người nuôi chấp nhận rủi ro, được nhờ, thua chịu.

Tôm hùm giống trôi nổi, người nuôi "mua" rủi ro

Phú Yên là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của cả nước với số lượng khoảng 30 nghìn lồng, đạt sản lượng trung bình hằng năm 650 tấn tôm thương phẩm, chiếm 43% sản lượng tôm hùm cả nước. Ngoài yếu tố ô nhiễm môi trường nước làm phát sinh dịch bệnh, việc bị động trong kiểm dịch, chất lượng nguồn giống là mối hiểm họa từ lâu, dẫn đến tôm thường xuyên nhiễm bệnh, chết hàng loạt hoặc đạt sản lượng thấp.

Ông Nguyễn Văn Oanh, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết: “Thấy thương lái nhập về, bán ở bên đường cho nên tôi tự mua nuôi, chứ không biết đã qua kiểm dịch hay chưa. Hầu hết bà con ở đây cũng mua như vậy”.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng, người mua bán tôm ở xã Xuân Thịnh cho hay: “Hiện nay, người nuôi chủ yếu mua tôm giống nhập từ Philippines. Không như trước đây, giống tôm này nuôi nhanh lớn hơn tôm tự nhiên. Nguyên nhân vì sao, chính người nuôi cũng không hiểu”. Cũng theo bà Hồng, hầu hết tôm giống đều không qua kiểm dịch vì quá nhỏ. Chỉ khi nào tôm lớn, có sự cố hoặc chết thì các ngành chức năng mới ra kiểm tra.

Theo người nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu, địa phương có sản lượng tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên, trước đây tôm hùm giống tự nhiên đắt hơn tôm nhập ngoại, nhưng lại được nhiều người chọn nuôi với giá cao. Bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, phần lớn người nuôi chọn con giống nhập trôi nổi có nguồn gốc từ các nước Philippines, Malaysia và Indonesia với giá 50 nghìn đồng/con, cao hơn tôm tự nhiên 10 nghìn đồng/con. Dù chọn giống tôm tự nhiên hay nhập ngoại, người nuôi vẫn phải chấp nhận rủi ro dịch bệnh vì con giống gần như không được kiểm dịch hoặc vận chuyển dài ngày làm mất sức.

Là người nhiều năm phụ trách nuôi trồng và khai thác thủy sản, ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cũng thừa nhận: “Đa số tôm hùm giống nuôi trên khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài đều là giống nhập từ Philippines, Malaysia và Indonesia thông qua kênh giám sát, quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Thị xã đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ NN-PTNT, bởi vì hiện nay với lượng giống du nhập rất lớn, ở góc độ địa phương thì không thể kiểm soát, quản lý được, kể cả tăng số lượng lồng bè”.

Nghề nuôi tôm hùm ở tỉnh Phú Yên đã hình thành từ gần 30 năm nay và đang dẫn đầu cả nước về sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và cũng từng ấy thời gian, người nuôi tôm hùm thường xuyên phải đối mặt với rủi ro, nơm nớp lo sợ từ khi thả con giống đến kỳ thu hoạch. Nếu gặp may thì có người thu lãi hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, còn không thì coi như phủi tay, ôm nợ. Trong đó, việc chủ động chọn được con giống khỏe mạnh, có sự kiểm soát, kiểm dịch của các ngành chức năng là điều họ mong muốn nhất hiện nay.