Ông có cuộc trò chuyện sau nhân dịp sang TP Hồ Chí Minh mới đây cùng Đoàn đại biểu Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam.
- Thưa ông Geetesh Sharma, hai tiếng Việt Nam lần đầu tiên đến với ông khi nào và trong trường hợp nào?
- Ông Geetesh Sharma: Đó là năm 1958. Khi đó tôi là một thanh niên 26 tuổi, vừa thoát ly khỏi gia đình và ngôi làng hẻo lánh của tôi ở Lakhisarai đến thành phố Kolkata được vài năm. Năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ. Lần đầu tiên tôi đọc trên báo thấy nhiều bài viết về Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi háo hức chờ đợi Người đến thăm. Khi Người đến Kolkata, hình ảnh đầu tiên của Người là một lãnh tụ thật gần gũi. Bộ đồ kaki và đôi dép râu của Người đã để lại trong tôi một ấn tượng rất sâu sắc.
Với những đóng góp to lớn của ông Sharma cho việc củng cố và tăng cường mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng ông Huy chương Hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. |
Báo chí Ấn Độ đã kể những câu chuyện về chuyến đi của Người thật cảm động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối các nghi lễ ngoại giao và gặp gỡ với Thủ tướng Jawaharlal Nehru của chúng tôi như những người bạn thân. Có thể nói chính hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang đến cho tôi tình yêu Việt Nam. Từ đó tôi tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Nam của Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ- Việt Nam.
- Tình yêu đối với Việt Nam đã là nguồn cảm hứng cho ông viết quyển sách. Nhưng sự kiện cụ thể nào đã thúc đẩy ông viết quyển sách giá trị này?
- Quyển sách này đi vào từng giấc mơ của tôi 10 năm qua. Tôi yêu Việt Nam và đã từng xuống đường biểu tình phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, từng hiến máu giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Nhưng mãi đến năm 1984, tôi mới có dịp sang Việt Nam lần đầu tiên.
Đến Việt Nam, được gặp gỡ những người bạn thân thiết, được đi dọc theo đất nước các bạn, tôi càng thêm yêu đất nước Việt Nam. Năm 1994, tôi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam. Tôi gặp nhiều bạn bè Việt Nam và nhận thấy ở các bạn một tình yêu trong sáng, một tình bạn thủy chung. Tình cảm của các bạn làm tôi cảm động.
Các bạn Việt Nam luôn bên cạnh chúng tôi trong giai đoạn khó khăn và có cùng quan điểm với chúng tôi tại các diễn đàn thế giới, đặc biệt là tại Liên hợp quốc. Từ đó trong tôi không ngừng thôi thúc giấc mơ phải viết một quyển sách về tình cảm giữa nhân dân hai nước.
- Ông đã viết quyển sách trong bao lâu?
-Tôi đã viết trong vòng bốn tháng. Nhưng tôi đã sưu tầm tài liệu trong vòng 10 năm. Tôi đã thu thập nhiều sách báo, nghiên cứu văn hóa dân gian từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh.
Quyển sách không phải là sách tham khảo về lịch sử và cũng không phải là một sự đánh giá mang tính bình phẩm về mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đó là công trình lao động vì lòng yêu thương, sự thổ lộ dạt dào trái tim nồng nhiệt, đó là cuộc hành trình đầy cảm thông sâu sắc thông qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, đó là tình yêu thương sâu đậm đối với Việt Nam.
- Ông đã làm các nhà báo Việt Nam cảm động khi nói với các nhà báo rằng ông không muốn là vị khách quý ở Việt Nam bởi vì ông là người trong nhà.
- Tôi không muốn giới thiệu tôi là khách quý vì tôi là người anh em của các bạn. Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của tôi và là gia đình ruột thịt của tôi. Tôi muốn giới thiệu tôi là người nhà của các bạn. Không chỉ riêng tôi, mà ở Ấn Độ, hai tiếng Việt Nam rất thân quen và gần gũi với người Ấn Độ.
Tuy nhiên, người Ấn Độ ít biết về công cuộc đổi mới và những thành tựu kinh tế gần đây của Việt Nam. Những tác phẩm văn học cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam được rất nhiều người Ấn Độ biết đến. Nhưng dường như ít có những tác phẩm văn học đương đại nào được phổ biến ở Ấn Độ trong những năm gần đây. Người Ấn Độ cũng ít biết đến hàng hóa của Việt Nam. Đó là điều đáng tiếc.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên Việt Nam tham gia hội chợ quốc tế Kolkata, có 70.000 người đã đến thăm gian hàng của Việt Nam và mua rất nhiều sản phẩm của Việt Nam. Đó là một trong những kênh hấp dẫn để giới thiệu hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Nhưng cũng tiếc rằng năm nay các bạn lại không tham dự.
- Thưa ông, theo ý kiến riêng của ông, làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ?
-Đó là câu hỏi tôi dành cho cô, những nhà báo trẻ. Đó cũng là nhiệm vụ của báo chí chúng ta.
- Xin chân thành cảm ơn ông.