DJ Nguyễn Đình Mỹ Quyên:

"Tôi muốn thử nghiệm trên nền nhạc Việt Nam"

"Tôi muốn thử nghiệm trên nền nhạc Việt Nam"

Tuy không vào sâu vòng chung kết sẽ diễn ra ngày 20-11 tới đây tại Kuala Lumpur, nhưng Mỹ Quyên đã cho bạn bè quốc tế biết đến một phong cách DJ khá  điệu nghệ, mang tính chất giao thoa với các nước châu Á. Đài Truyền hình MTVAsia cũng  đã có cuộc phỏng vấn với nữ DJ trẻ tuổi nhiều triển vọng này. Mặc dù nghề DJ (disc jockey-tạm dịch là nghề chỉnh nhạc) còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng những người mới nhập môn như Quyên đã sớm tìm ra cách tiếp cận nhiều dòng nhạc trên thế giới để làm phong phú thêm tai nghe của giới trẻ.

Nghề DJ khó nhất là kiếm cho ra nguồn nhạc. Nếu không có người bạn là DJ chuyên nghiệp ở Mỹ, có lẽ, Mỹ  Quyên khó có được một bộ sưu tập ngồn ngộn những đĩa nhạc quý. Hơn thế nữa, cô  được DJ Futhien Trans giỏi nhất ở Việt Nam hiện nay  và sắp là vị hôn phu của cô hướng dẫn về kỹ thuật.

Thuận lợi như vậy, nhưng để có phong cách trong nghề, bảy năm qua, Quyên  rèn luyện rất nhiều, từ cách chọn nhạc, mix nhạc, chuyển nhạc, luyện độ tinh tế của tai nghe, cho đến khả năng cảm nhận, độ phản xạ để nắm bắt thị hiếu  của khán giả. Mỗi đêm diễn, Quyên nói, quan trọng nhất là đọc cho được cảm xúc trên từng gương mặt người nghe và chia họ theo từng nhóm để chơi nhạc phù hợp, cuối cùng là phải làm sao khuấy động cho được không khí của sàn nhảy.  Đó mới là mấu chốt để trở thành một DJ  có sức hấp dẫn.

Quyên được Paul Oakenfold, DJ số 1 thế giới người Anh đề cao ở kỹ thuật và khả năng giao lưu với khán giả.

- Theo Quyên, làm một nữ  DJ có những  ưu thế và hạn chế nào?

- Nhiều người cứ tưởng làm DJ chỉ cần ngoại hình,  hoặc một nữ DJ thì nom thật lạ mắt, nhưng khi làm nhạc  họ đòi hỏi ở DJ rất cao. Đánh không hay sẽ bị tẩy chay ngay. Phải có tay nghề, và chơi phải có lực hấp dẫn. Ở TP Hồ Chí Minh cũng có khoảng 5-6 nữ DJ. Nhưng để cho người ta nhớ, và để lại một nét đặc biệt nào đó trong tâm trí khán giả thì không phải cứ tay chơi là đã làm được.

- Vậy nét đặc biệt của riêng Mỹ Quyên là gì?

- Chơi theo cấp độ  từ nhạc nhẹ đến mạnh dần. Thường thì tôi chọn những bài nhạc house, sau đó tribal, progressive, và trance.

Không phải DJ nào cũng có cách đánh giống nhau. Điều quan trọng là họ phải thể hiện cho được gu âm nhạc của mình và nắm bắt nhanh nhạy ý thích của người nghe. Qua cuộc thi tìm kiếm DJ châu Á vừa qua, tôi phát hiện ra phong cách của mình có nhiều nét tương đồng với DJ người Hồng Công đứng đầu vòng bán kết này.

- Kinh nghiệm mà Quyên có được từ  cuộc thi thu hút  3.000 DJ  châu Á và Âu tham dự  này?

- Có một anh bạn người Malaysia xem tôi diễn xong hỏi: "Việt Nam cũng có vũ trường à?". Như vậy, qua giao lưu mà họ có thể hiểu thêm về Việt Nam, và ngược lại, tôi  được biết thêm các ngón nghề của DJ quốc tế.

Trước đó, tôi làm quen với  hai DJ số 1 của thế giới là Tiesto (người Hà Lan) và Peter Rauhofer (Mỹ). Những ca khúc mới nhất do họ hoà âm phối khí sau đó  được tôi chọn làm một số bài "tủ". Nhưng khác với DJ Việt Nam, các DJ nước ngoài có khả năng  tự làm nhạc, hát bài của họ trong khi vẫn mix nhiều loại nhạc khác. Còn ở Việt Nam, nhiều người vẫn rất bị lệ thuộc (chỉ lấy nhạc nước ngoài về đánh lại).

- Vậy Quyên có ý định làm album cho những bài nhạc của mình?

- Tôi mới chỉ chọn nhạc, mix lại cho hay, chứ chưa dám thử  đưa ra những gì tự nghĩ.  Hiện tôi muốn mix lại các bài nhạc của Trần Tiến và Kim Tuấn, nhưng còn phải tìm  cách dễ tiếp cận nhất đối với khán giả.

- Theo Quyên, tai nghe  của khán giả TP Hồ Chí Minh  bây giờ ra sao?

- Khán giả Sài Gòn cũng sành điệu không thua kém khán giả các nước châu Á. Trước đây, họ ưa thích techno, techtrance. Còn nay  ưa thích loại nhạc house nhẹ nhàng, nhiều sắc thái với funky, hard, deep house;  nhạc tribal dồn dập với những tiếng trống bộ lạc phấn khích, mới lạ trong giai điệu; nhạc trance dìu dặt lôi cuốn...

- Dù là nghề mới, song các  DJ ở Việt Nam có  thu nhập  ngang ngửa với DJ ở Thái-lan... với trên 1.000USD?

- Cũng khoảng đó. Nhưng chi phí cho việc tầm đĩa mất hết một nửa rồi, chưa kể trang thiết bị, máy móc luôn  phải nâng cấp. Đây thực sự là một nghề tốn kém. Nhưng tôi tin rằng nghề DJ sẽ rất phát triển ở Việt Nam.