Theo lời Đề dẫn của PGS Nguyễn Văn Long thì đề tài này tập trung nghiên cứu các nội dung chủ yếu như: khẳng định phê bình là một thành tố quan trọng tham gia vào đời sống văn học; dựng lại diện mạo, đánh giá thành tựu và những vấn đề tồn tại; lý giải tính cấp thiết của đổi mới phê bình khi nhìn vào thực trạng của lý luận - phê bình những năm gần đây; xem xét phê bình trong quan hệ với tiếp nhận, sáng tác, lý luận, nghiên cứu và đời sống văn học nói chung; chú ý tới các vấn đề liên quan tới bản chất của phê bình (xem phê bình như một thể loại văn học, một chuyên ngành khoa học, hay vừa là khoa học vừa là nghệ thuật?); phê bình gắn liền với văn học đương đại hay chỉ nghiên cứu văn học quá khứ; tác động của phê bình, tính khả biến của phê bình; vai trò và chức năng của phê bình văn học từ định hướng, gợi mở sang đánh giá, đối thoại...
Dưới đây là lược ghi một số ý kiến phát biểu tại cuộc Toạ đàm:
- GS TS Trần Đình Sử: Sự phát triển của văn học là tất yếu khách quan, và phê bình làm công việc mô tả, hệ thống hoá rồi rút ra kết luận về sự phát triển đó. Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ thiên về phê bình tác phẩm, phê bình tác giả mà chưa có phê bình khuynh hướng một cách tổng thể, thiếu tính khái quát - cũng là một kiểu loại của phê bình. Khả năng xây dựng các khái niệm để có thể thao tác trong phê bình văn học còn hạn chế. Ý thức về phê bình còn yếu, thể hiện qua sự nắm bắt lý thuyết. Đã có những quan niệm cực đoan không đáng có về phê bình...
- GS Nguyễn Đăng Mạnh: Phê bình văn học cần có lý thuyết, vì thế nhà phê bình cần phải học để tiếp nhận lý thuyết. Cần làm như thế nào đó để các lý thuyết văn học có nguồn gốc từ nước ngoài khi được du nhập sẽ được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của văn học Việt Nam. Muốn phê bình có tính khuynh hướng thì nhà phê bình cần phải có tư tưởng riêng.
Phê bình là công việc khó. Hiện tại, một số tác phẩm văn học ra đời từ sự tự thức tỉnh của ý thức cá nhân, song đó mới chỉ là điều kiện cho sáng tác, nên cần cẩn trọng trong phê bình, nhất là khi sáng tác văn học có vẻ hơi lộn xộn như hiện nay. Hiện tại, vấn đề quan trọng nhất đối với chúng ta là không có nhà phê bình chuyên nghiệp. Làm nhà phê bình chuyên nghiệp, người ta phải đọc nhiều. Trước đây, Hoài Thanh phải đọc hàng vạn bài thơ mới đủ tư liệu để viết Thi nhân Việt Nam, liệu hôm nay có nhà phê bình nào dám bỏ công sức đọc hàng triệu bài thơ? Có lẽ nói không quá nếu cho rằng hiện nay nhiều nhà phê bình đọc ít hơn bạn đọc. Cần chú ý đến “gu” của các thế hệ.
- PGS TS Trịnh Bá Đĩnh: Khi rất nhiều vấn đề phê bình văn học đương đại đang được đặt ra thì nhà phê bình có uy tín rất ít, một số người lại chuyển sang làm “khảo cổ học phê bình”, tức là khảo cứu đời sống phê bình của quá khứ.
Trước các hiện tượng văn học mới xuất hiện như hiện nay, hầu như rất ít có tiếng nói của nhà phê bình văn học chuyên nghiệp. Cần xác định rõ phê bình là gì? Phân kỳ và phân loại phê bình chỉ có ý nghĩa tương đối, vì thế không nhất thiết đặt vấn đề từ cột mốc “đổi mới” vì một vài năm trước đó trong nghiên cứu - phê bình đã xuất hiện một số yếu tố mới. Các lý thuyết văn học chỉ có thể phát triển khi được nghiên cứu, giới thiệu, giảng dạy một cách khoa học và nghiêm túc trong hệ thống nhà trường, rồi từ đó nhân rộng ra trong các hoạt động văn học khác.
- Nhà phê bình Lại Nguyên Ân: Ngay từ trước 1945 cũng đã có người quan niệm phê bình có phạm vi rất rộng, có thể hiểu như là “phê bình văn nghệ” nói chung, trong đó phê bình văn học có vai trò trọng tâm. Mười năm trước 1975 vẫn là sự xung đột giữa các khuynh hướng để đi tìm sự cởi mở cho phê bình.
- PGS TS Nguyễn Đăng Điệp: Phân kỳ chỉ là một cách tiếp cận. Muốn nói sao thì phê bình từ sau 1975 đến nay cũng có sự phát triển, gắn với văn học, trở về với chức năng riêng của nó. Quả là đang có hai xu hướng trong phê bình văn học, một xu hướng cảm tính và một xu hướng lý thuyết, tuy nhiên hai xu hướng cũng cần được tôn trọng. Cần quan tâm đến việc phê bình thể loại.
- PGS TS La Khắc Hoà: Hiện tại, tính nghiệp dư của phê bình thể hiện rất rõ, vì chưa được đặt trong một môi trường làm nghề chuyên nghiệp. Vì thế mỗi khi ở nước ngoài xuất hiện vấn đề lý thuyết gì thì vội vã nắm bắt, vì bản thân chưa được tích luỹ và không có khả năng sáng tạo mới. Sự nghiệp dư thể hiện ở sự mất thời gian vào việc xem phê bình là khoa học, hay nghệ thuật như là đi tìm những đối tượng tự thân trừu tượng. Cần nhấn mạnh đến các công trình bàn về phê bình như là một đối tượng lịch sử. Phê bình là một nhân tố tổ chức tiến trình văn học, trong đó cái đương đại là yếu tố chủ đạo, nhưng dù sao đó vẫn là yếu tố, tức là còn có các yếu tố khác...
Sau 1986, phê bình là sự đối thoại của người viết phê bình với tác phẩm, do vậy, phê bình là “vương quốc của tranh luận” nhưng dù thế nào thì đối thoại vẫn là để đi tới đồng thuận. Hiện tại, phê bình quan tâm tới văn hoá, đó cũng là một hướng đi. Không nên coi phê bình lâu nay chịu ảnh hưởng của phê bình văn học Xô viết, vấn đề là cách chúng ta sử dụng như thế nào và trên bình diện nào. Và điều đó liệu có nhất thiết phải “nhập ngoại” các lý thuyết?