Tổ chức lại sản xuất để phát triển và tiêu thụ thanh long bền vững

NDO -

Ngày 21/2, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long. 

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị, có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang; Hiệp hội thanh long, một số doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến thanh long… trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, cả nước có khoảng 64,7 nghìn ha thanh long; sản lượng gần 1,4 triệu tấn; tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh: Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Năm 2019, giá trị xuất khẩu thanh long đạt cao nhất với gần 1,25 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu thanh long của Việt Nam.

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long đã và đang gặp nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc; giá thu mua trong nước giảm sâu; hiệu quả sản xuất không cao, có thời điểm thua lỗ, đặc biệt với thanh long rải vụ (trái vụ). Trong quý I năm 2022, ước sản lượng thanh long các tỉnh có diện tích trồng lớn ở phía nam khoảng 247 nghìn tấn. Hiện, Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu chậm, làm giảm giá thành thu mua trong nước. Một số nông dân đã tạm dừng sản xuất rải vụ thanh long để tránh rủi ro.

Tổ chức lại sản xuất để phát triển và tiêu thụ thanh long bền vững -0
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (đội mũ) thăm Trang trại nông nghiệp công nghệ cao Bình An, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). 

Thanh long được Bình Thuận xác định là cây trồng lợi thế, đặc sản; sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh với hơn 30 nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hằng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70-80 nghìn lao động. Giá trị xuất khẩu thanh long chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả. Thanh long Bình Thuận tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khoảng 2-3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc.

Hiện, toàn tỉnh có 13 cơ sở chế biến thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long các loại, rượu thanh long, kẹo thanh long. Phần lớn sản phẩm được tiêu thụ nội địa. Tổng năng lực chế biến sản phẩm thanh long khoảng 182.000 tấn/năm, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng.  

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá thu mua thanh long giảm sâu, các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng, giá mua thanh long ruột trắng tại vườn khoảng 3-5 nghìn đồng/kg mặc dù là hàng trái vụ... Những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ thanh long của Bình Thuận cũng là khó khăn chung của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề, nguyên nhân, đồng thời nêu các giải pháp để giải quyết bài toán tiêu thụ thanh long hiện nay cũng như hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc kịp thời cập nhật thông tin mới về các quy định, chính sách nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài cũng như sự thay đổi trong cơ chế kiểm tra hàng hóa để các doanh nghiệp sớm nắm bắt, chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương, các đơn vị liên quan cần đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho bà con nông dân.

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ rõ, cái căn cơ nhất mà ở các vùng trồng thanh long rất khó làm đó là phát triển kinh tế tập thể. Phát triển hợp tác xã ở những vùng trồng thanh long rất khó làm so những mô hình khác. Khi có rủi ro về thị trường là mạnh ai nấy lo, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia, từ đó có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như chiến lược quảng bá trái thanh long trong và ngoài nước. Xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ thanh long trên cơ sở nghiên cứu khoa học, bảo đảm nguyên tắc cung cầu để các địa phương có cơ sở quy hoạch, phát triển. Định hướng tăng cường chế biến, giải quyết tình trạng ứ đọng hàng khi gặp khó khăn trong tiêu thụ; đầu tư kho lạnh tại các cửa khẩu để lưu trữ hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long của chúng ta thiếu ổn định, bền vững là do cách tiếp cận của chúng ta sai. Tư duy của chúng ta là tư duy một đầu sản xuất, mà chúng ta không quan tâm đầu thị trường, trong khi đầu thị trường mới quyết định đầu sản xuất. Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận từ tiếp cận một đầu sang tiếp cận hai đầu. Sản xuất của chúng ta mù mờ vì chắc chắn chúng ta không thể biết bao nhiêu người sản xuất thanh long, áng chừng là chủ yếu. Về thị trường thì càng mù mờ hơn nữa. Chúng ta phải kiểm soát được sản xuất, nếu không được thì coi như thất bại. Chúng ta phải nắm được bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức sản xuất để đưa họ vào một tổ chức, một hình thức sản xuất tập thể nào đó như hợp tác xã… Tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, suy cho cùng là cuộc cách mạng về tổ chức sản xuất trước.  

Muốn phát triển bền vững, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, các địa phương phải bắt đầu lại tổ chức sản xuất, quản lý người sản xuất, bởi người sản xuất là người đầu tiên bắt đầu cho chuỗi ngành hàng. Phải bắt đầu từ cấp xã, phải hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Tránh tình trạng sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, tự phát. Từng bước nâng cao giá trị trái thanh long và cũng phải thay đổi dần tư duy từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch vì đây là xu thế chung, tất yếu.

Ngoài thanh long, chúng ta còn nhiều sản phẩm nông sản khác cũng nằm trong thách thức vô cùng lớn từ thị trường bên ngoài cũng như thách thức bên trong. Các địa phương, các ngành hàng cần xây dựng hệ sinh thái riêng trên từng ngành hàng, từng loại nông sản.

Trước đó, chiều 20/2, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa tại Trang trại nông nghiệp công nghệ cao Bình An, xã Thuận Quý; Công ty TNHH Sơn Thủy chế biến xuất khẩu thanh long và Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, xã Hàm Mỹ huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).