Tinh thần “thép” của cựu tù Phú Quốc

Vào một buổi chiều, chúng tôi đến thăm thương binh 3/4 Phạm Văn Thanh, 74 tuổi, còn gọi Hai Thanh ở xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang; được nghe ông kể về những tháng ngày không thể nào quên ở nơi được xem là “địa ngục trần gian”, Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc.
Du khách tham quan tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc.

Ông Phạm Văn Thanh cho biết, ngày 26/3, ông vừa dự họp mặt kỷ niệm 50 năm “Ngày chiến thắng trở về” tại Phú Quốc theo thư mời của tỉnh Kiên Giang. “Tôi háo hức gặp lại đồng đội cũ ở đảo Phú Quốc, nơi chúng tôi bị giam cầm, đoàn kết, chiến đấu và vượt ngục thành công. Nơi đó, hàng trăm, hàng nghìn đồng đội vĩnh viễn ngã xuống”.

Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc được Mỹ - ngụy thiết lập trong thời gian từ tháng 7/1967 đến tháng 3/1973, đã giam cầm hơn 40 nghìn chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước. “Tại đây có hơn 40 kiểu tra tấn dã man và tàn bạo nhất, chúng đã giết hại khoảng 4.000 tù binh, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế vĩnh viễn…”, ông Phạm Văn Thanh trầm tư.

16 tuổi, ông tham gia bộ đội chủ lực F15, Quân khu 9. Năm 1965 ông được điều về Sư đoàn 5, Trung ương Cục miền nam. Trong trận đánh vào Trường huấn luyện của địch ở Vạn Kiếp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông bị thương nặng; địch đổ quân và bắt sống ông cùng một đồng đội khác. Sơ cứu ban đầu xong chúng đưa ông về Trại giam Hố Nai (tỉnh Ðồng Nai ngày nay). Ðúng mồng 5 tháng Giêng năm 1968, chúng đưa ông Thanh và khoảng 800 tù binh ra Phú Quốc và giam tại phân khu A2.

Dù đã 50 năm trôi qua, nhưng ông Thanh không bao giờ quên được ngày đặt chân lên mảnh đất Phú Quốc và bị giam cầm tại “địa ngục trần gian”. Chỉ vào những vết sẹo lồi, sẹo lõm trên cơ thể của mình, ông Hai Thanh nói: “Vừa bước xuống máy bay, tay chưa kịp mở còng thì hai hàng quân cảnh dùng cây đai đen, dùi cui, bá chắc đánh liên tiếp vào người chúng tôi. Chúng đánh phủ đầu, đánh uy hiếp, để dằn mặt, mục tiêu chính là trấn áp tinh thần những chiến sĩ cộng sản. Chúng còn nói ai chống cự là bị đánh cho chết, ở nơi xa xôi sẽ không có người tới cứu. Sau đó, tất cả tù binh được đưa về thẳng các phân khu để tiếp tục tra tấn, đánh đập”.

Trong tù, ngày nào tù binh cũng bị bọn quân cảnh đánh đập, tra tấn. Có rất nhiều người chết, có người bị chúng bắt lên khai thác thông tin rồi không thấy trở về. Ông Thanh cùng những người khác tổ chức đấu tranh đòi chúng trả tù binh mà chúng giải đi nhưng lại bị đàn áp dữ dội. Bọn quân cảnh xả súng bắn chết người, nhất là người lớn tiếng đòi.

Nhiều tù binh bị chúng bắt tra tấn dã man, nằm chuồng cọp, phơi nắng, phơi mưa để khai thác tìm ra chỉ huy, tìm cơ sở đảng nhưng không ai khai. Nhờ sự lãnh đạo của Ðảng ủy nhà tù, ban chấp hành chi đoàn mà anh em luôn giữ vững ý chí, đoàn kết đấu tranh, tìm cách chăm sóc, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách.

Tại phân khu A2, sáng sớm ông Phạm Văn Thanh cùng đồng đội bị ban chỉ huy nhà tù bắt đi vác gạo, lấy củi, làm cỏ… Mỗi ngày, chúng chỉ phát cho 2 người một nửa lon gạo, đến 12 giờ trưa mới cho ăn cơm cùng với ít cá liệt, muối. Ðịch bắt ông và đồng đội đào hầm, làm kẽm gai, nhưng tất cả đều không làm theo và thế là những trận đánh “thừa sống thiếu chết” tiếp tục diễn ra. Hơn một tháng bị giam cầm, không chịu nổi sự hà khắc, ông Thanh và đồng đội tìm cách vượt ngục, mặc dù trước đó đã có hàng chục vụ vượt ngục không thành công và bị địch tra tấn càng dã man.

1 giờ trưa ngày cuối tháng 9/1971, ông Thanh cùng 16 tù binh quyết tâm vượt ngục. Lúc này, ở phân khu A2, lực lượng quân cảnh có súng đứng canh và tuyệt đối không cho tù binh lại gần. Căn cứ theo quy định, cứ hai ngày tù binh luân phiên đi đổ phân. Thế là những tù binh đi đổ phân có nhiệm vụ quan sát, theo dõi tình hình lối đi bên ngoài và báo lại với tổ chức đảng, đoàn thanh niên.

Ðể tạo sự đồng lòng, quyết tâm vượt ngục, các chiến sĩ tù binh đưa ra khẩu hiệu “Trung sĩ ơi cho đổi” (nghĩa là báo với quân cảnh cho thay người đi đổ phân), nhưng có hàm ý là cùng đồng loạt xông ra cướp súng của lực lượng quân cảnh. Bởi nếu không có sự đồng loạt như vậy thì sẽ bại lộ và bị đàn áp trở lại. “Trong 16 người chúng tôi có một người rất giỏi võ. Ðể tạo tình huống bất ngờ, chúng tôi hô lớn khẩu hiệu “Trung sĩ ơi cho đổi”, rồi một anh giỏi võ nhanh chóng áp sát tên quân cảnh để cướp súng, những người còn lại áp sát và cướp súng của ba tên quân cảnh còn lại.

Tuy nhiên, chúng nhanh chóng đáp trả, xả súng dữ dội vào chúng tôi. Kết quả, chúng tôi cướp được 2 khẩu súng, 16 người thì 4 người hy sinh tại chỗ, 1 người bị bắt lại, 3 người bị thương (sau 3 ngày có thêm 1 người hy sinh). Trong 10 người sống sót sau cuộc vượt ngục lần đó, giờ còn sống 4 người”, ông Thanh bùi ngùi kể.

Ông Thanh và 10 người còn sống sót, vượt ngục thành công. Nhưng để tìm về với lực lượng cách mạng là một hành trình gian nan. Trong rừng sâu, hầu hết tù binh vượt ngục đều bị thương. Cả nhóm cố chạy lên một đồi cao, tìm cây cỏ cầm máu rồi tiếp tục đi tiếp, hướng về ấp chiến lược Hàm Ninh, nơi có lực lượng cách mạng đóng quân. Ðến ngày thứ sáu thì những bước chân thương tật rã rời, may mắn thay gặp được đôi vợ chồng người dân tộc Khmer là người dân địa phương, rành đường đi nước bước.

Trên đường đi đói và khát, ông Phạm Văn Thanh cùng đồng đội định bắt cua ở một con suối để ăn. Nghe có tiếng động từ phía xa nên núp vào bụi cây phát hiện hai thanh niên tới gần liền khống chế lấy súng; mừng thay, đó là người của cách mạng, thuộc Huyện đội Phú Quốc. Hai thanh niên tìm lá dừa, bắt cá nướng cho nhóm tù vượt ngục ăn chống đói. Chân của ông Thanh lúc này đã bị hoại tử, thối rữa. Lúc này, hai chiến sĩ báo về đơn vị cử một y sĩ, người đã vượt ngục trước đây, mang thuốc từ Huyện đội Phú Quốc đến băng bó vết thương và khiêng ông về Trạm xá Huyện đội chữa trị.

Tháng 8/1972, ông Phạm Văn Thanh được đưa vào đất liền, công tác tại nhiều đơn vị thuộc Quân khu 9. Sau đó, được tổ chức đưa ra Phú Quốc lần thứ hai để tiếp nhận đồng đội được thả, bởi ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Từ ngày 15/3/1973, chính quyền Sài Gòn buộc phải thực hiện việc trao trả tù binh của Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam -Phú Quốc và cũng là ngày đánh dấu “địa ngục trần gian” tại hòn đảo này vĩnh viễn bị xóa bỏ.

Sau hòa bình, ông Phạm Văn Thanh công tác ở Tỉnh đội Kiên Giang, rồi Huyện đội Vĩnh Thuận, năm 2000 ông về hưu với cấp bậc thượng tá. “Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc, trong đó có Thượng tá Phạm Văn Thanh đã để lại một tấm gương vô cùng sáng đẹp mà thế hệ trẻ chúng ta hôm nay học tập và noi theo”, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận Phạm Văn Toàn cảm kích.