Lồng ghép hai dự án để tiết kiệm nhân lực, chi phí
Ở nước ta, việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện đa số bằng hình thức thủ công phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lý đều cấp cho công dân một loại giấy tờ nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ,...).
Hiện nay, việc di cư, dịch cư diễn biến phức tạp, tình trạng đô thị hóa cùng việc phát triển nhiều khu công nghiệp lớn đã tạo sự biến động rất lớn về dân cư. Tình trạng công dân đăng ký cư trú một nơi ở một nơi khác, đi khỏi nơi cư trú nhưng không xóa tên khỏi hộ khẩu và không khai báo tạm trú, tạm vắng diễn ra phổ biến. Công tác quản lý dân cư không theo kịp thực tế, nếu vẫn theo hình thức thủ công.
Đã đến lúc cần có một hệ thống công nghệ điện tử quản lý thông tin của người dân, từ một đầu mối chia sẻ cho tất cả. Chính vì vậy, qua những kiến nghị, rà soát của các bộ, ngành, đơn vị đến ngày 11/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ngày 3/9/2020 tiếp tục ký Quyết định số 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án, Bộ Công an đã xác định đây là một “chiến dịch” và khẩn trương thực hiện. Bộ Công an coi đây là hai dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây cũng là hai dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Trong quá trình xây dựng hai dự án, Bộ Công an đã chỉ đạo các nhà thầu chính của dự án triển khai thiết kế kỹ thuật hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân dựa trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ để thẩm định bảo đảm yêu cầu này.
Hơn 164.000 thiết bị của dự án đều được kiểm soát chính hãng ngay từ nguồn gốc và được cục nghiệp vụ chuyên ngành của Bộ Công an kiểm tra kỹ, bảo đảm an ninh an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng theo mô hình tập trung gồm Trung tâm dữ liệu (DC) tại Hà Nội và Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) tại TP Hồ Chí Minh. Hệ thống được thiết kế sẵn sàng tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng khả năng tích hợp và liên thông quốc tế khi có yêu cầu.
Tại Trung tâm DC xây dựng hệ thống Bản đồ số, cung cấp chính xác các thông tin phân tích, tổng hợp, dự báo về tình hình dân cư để phục vụ xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ.
Bộ Công an đã ban hành các quy trình thu thập thông tin dân cư, gắn với trách nhiệm của từng cấp công an trong công tác thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư. Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ công an ở cơ sở trên khắp mọi miền của cả nước đã khai thác, đối chiếu các loại hồ sơ, tàng thư, đồng thời “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp ” để thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào Cơ sở dữ liệu.
Qua hơn một năm, đến thời điểm hiện tại, đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đã đồng loạt cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6/2021. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần chuyển đổi số quốc gia. Song hành với số hóa dữ liệu dân cư, chỉ trong chưa đầy sáu tháng, Bộ Công an đã hoàn thành hệ thống kỹ thuật sản xuất và cấp thẻ căn cước công dân; hoàn thành nghiên cứu, thiết kế mẫu thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật.
Nhờ có sự lồng ghép giữa hai dự án, thủ tục cấp thẻ đã được cải cách, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức rất lớn (hiện nay trung bình thời gian thực hiện thủ tục cấp căn cước đối với một người dân là khoảng 3 - 5 phút). Đồng thời, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai chiến dịch thu nhận hồ sơ để cấp 50 triệu thẻ căn cước trước ngày 1/7/2021. Lực lượng công an toàn quốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt thực hiện chiến dịch, trong điều kiện tính toán tận dụng tối ưu phương tiện, thiết bị để tránh lãng phí, đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Do có sự quyết tâm của toàn lực lượng nên chỉ trong thời gian ngắn, từ 1/3/2021 đến nay, toàn quốc đã thu nhận được hơn 54 triệu hồ sơ để cấp thẻ căn cước hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trước một tháng so với kế hoạch bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19.
Người dân hưởng nhiều tiện ích
Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết: Từ ngày 1/7/2021, cùng với việc Luật Cư trú (2020) có hiệu lực và hệ thống cơ sở dữ liệu đi vào vận hành, công dân có thể sử dụng số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú... để giao dịch hành chính.
Công dân khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu đã vận hành, công dân không cần chuẩn bị bất cứ loại giấy tờ gì khi làm thủ tục cấp căn cước công dân. Theo đó, để cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân, công dân chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân (họ và tên, ngày tháng năm sinh,...) để cán bộ tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.
Sau đó, cán bộ lấy thông tin công dân, đối chiếu thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với nhận dạng thực tế và in phiếu để công dân tự đối chiếu thông tin, hoàn tất việc cấp căn cước công dân. Đồng thời, người dân đã có thể làm căn cước công dân tại nơi mình đang tạm trú mà không cần phải về nơi đăng ký thường trú.
Từ ngày 1/7 cơ quan công an sẽ không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ... dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp và điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
Việc bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú, mà chỉ chuyển từ hình thức thủ công, bằng giấy sang điện tử. Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, khi có việc, chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí, người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến. Đây chính là tiện ích người dân bắt đầu được hưởng lợi từ việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.
Hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã tổ chức kết nối chia sẻ thông tin dân cư với một số bộ, ngành như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông để sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân giải quyết thủ tục cấp thẻ bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT (đơn vị phối hợp Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử) cho biết, với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” như tiêu chí mà Bộ Công an đã đặt ra, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sẽ giúp các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội có dữ liệu gốc làm nền móng để triển khai những ứng dụng chuyên ngành thiết thực và phát triển những dữ liệu quan trọng khác trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng quan trọng, là điều kiện cần thiết để giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Đó cũng chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.