Thể hiện vai trò dẫn dắt
Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Quốc Bình cho biết, việc tập trung, ưu tiên đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất liên vùng là một yêu cầu cấp bách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xúc tiến chủ trương thành lập Trung tâm quốc gia Đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, dự kiến tại ba miền của Việt Nam. Mô hình Trung tâm Quốc gia này phải là các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế và chuyển giao các chương trình giảng dạy mới.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quốc gia này được kỳ vọng sẽ cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới. Điều này có thể cho phép giáo dục nghề nghiệp trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng, bao trùm và có sự gắn kết.
“Dù dưới tên gọi hay hình thức nào, các trung tâm hay cơ sở này đều hướng đến việc xây dựng, đầu tư và phát triển hình thành các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao đủ năng lực để đào tạo, đánh giá, kiểm định, nâng cao năng lực cho cán bộ và giáo viên, nghiên cứu, chuyển giao chương trình, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế và tổ chức các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đây cũng là mô hình kiểu mẫu dẫn dắt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác” - ông Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Đinh Xuân Thành cho biết, nhóm nghiên cứu dự kiến xây dựng mô hình với mục tiêu tổ chức mạng lưới các trường cao đẳng chất lượng cao, hình thành ba trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, thông minh, hiện đại, đủ năng lực đào tạo chất lượng cao.
Việc thành lập ba trung tâm quốc gia này sẽ trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại ba trường cao đẳng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm: Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (Hà Nội), Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) và Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TP Hồ Chí Minh). “Trên cơ sở đó, chúng tôi dự kiến sẽ bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho ba trường cao đẳng này để thực hiện chức năng của Trung tâm quốc gia” - ông Thành nói.
Kinh nghiệm từ quốc tế
TS Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam, giới thiệu mô hình Trung tâm đào tạo và thực hành nghề liên doanh nghiệp của CHLB Đức. Thường thuộc sở hữu và vận hành của các phòng thương mại, công nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp, Trung tâm sẽ đào tạo chuyên sâu về một số ngành nghề xác định, cung cấp các xưởng thực hành kỹ thuật với các công nghệ mới nhất, bổ sung cho hợp phần đào tạo qua công việc (on-the-job) trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp kép. Người học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp kép được đào tạo tại Trung tâm khoảng 2 tháng mỗi năm.
TS Sabrina Loi, Giám đốc, Bộ phận Chất lượng cao & Hợp tác quốc tế của ITE (Singapore) chia sẻ về Mô hình “One system ITE, Three colleges - Một hệ thống, ba trường cao đẳng” của Singapore. ITE là cơ sở đào tạo giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp sau trung học và thực hiện hoạt động phát triển tiêu chuẩn và chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia của Singapore.
Mô hình này được hình thành từ sự hỗ trợ của các bộ, ngành và doanh nghiệp với chương trình đào tạo từ 2-4 năm và người học có thể tiếp tục học cao hơn ở trình độ đại học hoặc có thể đi làm việc.
Bên cạnh đó, hệ thống ITE cũng triển khai đào tạo thường xuyên (vừa học và làm) để phát triển kỹ năng học liên tục. “Quá trình đào tạo gắn với kỹ năng nghề với kỹ năng mềm; thực hành tại doanh nghiệp, nhất là mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa để làm quen thực tế. Mô hình đào tạo chất lượng ITE được tiếp thu từ Đức và Thụy Sĩ nhưng cũng được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại Singapore. ITE có sự hợp tác với hơn 3.000 doanh nghiệp nên có nhiều cơ hội cho học sinh thực hành”, bà Sabrrina Loi cho biết.
Ông Ji-Hyeon Noh, Giám đốc Bộ phận hợp tác Phát triển NNL toàn cầu, Viện GIFTS Hàn Quốc, giới thiệu mô hình Viện chuyển giao kỹ năng toàn cầu (GIFTS) Hàn Quốc. GIFTS có nhiệm vụ tìm kiếm và bồi dưỡng những nghệ nhân của Hàn Quốc trong tương lai thông qua việc thực hiện các chương trình chuyển giao kỹ năng, chương trình cố vấn và tuyền đạt kinh nghiệm kỹ năng; đào tạo các kỹ thuật viên lành nghề thông qua việc tổ chức cuộc thi kỹ năng nghề và tham gia Cuộc thi Kỹ năng Nghề Thế giới; hỗ trợ khởi nghiệp cho các kỹ thuật viên; hợp tác quốc tế để thúc đẩy công nhận lẫn nhau về văn bằng chứng chỉ cũng như tổ chức các khóa đào tạo mời các quan chức cấp cao, cán bộ GDNN và giảng viên, kỹ thuật viên tham gia để chia sẻ kinh nghiệm phát triển, kiến thức và kỹ năng kỹ thuật của Hàn Quốc...
Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình cho hay, việc thành lập và phát triển mô hình trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao tại Việt Nam rất cần thiết và đúng thời điểm. Tuy nhiên, đối với một hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập và trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới thực tại và tương lai việc làm, việc thành lập và phát triển mô hình trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
* Mục tiêu
Đến năm 2025:
- Xây dựng ba trung tâm quốc gia tại ba miền bắc, trung, nam
- Có 70 trường cao đẳng chất lượng cao (trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong G20)
Đến năm 2030:
- Hình thành thêm từ 3 đến 5 trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề
- 90 trường chất lượng cao (trong đó có 40 trường tương đương với trình độ các nước ASEAN-4 và 3 trường tương đương các nước phát triển trong nhóm G20).