Triển lãm "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại"

NDO -

Với gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trình bày theo bốn chủ đề - triển lãm "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại" đã mang lại cho người xem một cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc hơn về hậu quả của chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người...

Triển lãm "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại"

Chiều 13/7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, Văn phòng 701, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam…, tổ chức khai mạc Triển lãm "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại" tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thiết thực kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021) và hưởng ứng Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8).

Triển lãm "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại" giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, theo bốn chủ đề: thảm hoạ và nỗi đau; khắc phục hậu quả; vòng tay nhân ái và hành trình đấu tranh đòi công lý; khát vọng vươn lên.

Chương trình nhằm tuyên truyền sâu rộng đến đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về hậu quả của chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người; về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, quân đội, của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các cơ quan, ban, bộ, ngành, đoàn thể; sự vào cuộc của toàn xã hội, sự chung tay góp sức của của bạn bè quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; về nỗ lực vượt khó vươn lên của các nạn nhân chất độc da cam để hòa nhập cộng đồng. 

Tại lễ khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, trong thời gian ngắn, các cơ quan, đơn vị liên quan đã khắc phục khó khăn, chủ động nghiên cứu, sưu tầm hình ảnh, tài liệu, hiện vật, xây dựng mô hình mô phỏng, phương án trưng bày hợp lý, sáng tạo, có tính khoa học và thẩm mỹ cao, gây được ấn tượng sâu sắc đối với người xem.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng mong muốn, trong thời gian mở cửa triển lãm trực tiếp tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và triển lãm trực tuyến, sẽ để lại nhiều ấn tượng, tình cảm sâu sắc đối với khán giả trong nước và quốc tế. Và thông qua triển lãm, sẽ tiếp tục kêu gọi các tầng lớp nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, đoàn kết đấu tranh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Anh Dương Phi Long, Quản lý dự án (Công ty TNHH Shimizu Việt Nam) đã chia sẻ những cảm xúc xúc động của mình khi xem triển lãm khi những hình ảnh những nạn nhân, những trẻ em ở thế hệ thứ tư vẫn đang phải chịu hậu quả của chất độc da cam từ 60 năm trước. Những hình ảnh, hiện vật, cũng như các thông điệp cũng làm người xem rõ hơn những gì Việt Nam đã làm được trong 60 năm qua, và cũng qua đó, chúng ta có hy vọng những chính sách hỗ trợ sẽ giúp các nạn nhân phục hồi chức năng, hòa nhập xã hội. 

Triển lãm được trưng bày trực tiếp tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam từ ngày 13/71 đến 12/8/2021 và thực hiện trực tuyến trên website: trienlamdacam.vn, tại cổng thông tin điện tử của: Binh chủng Hóa học: http://binhchunghoahoc.vn; Văn phòng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 701: http://office701.gov.vn; Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam: http://ncd.btxh.gov.vn; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: http://vava.org.vn; Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học (Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam): http://icrtm.vast.vn; Quỹ đổi mới sáng tạo Vinif (Tập đoàn Vingroup): https://www.vinif.org. Thời gian triển lãm trực tuyến từ ngày 13/7 đến 31/12/2021.