Thiết thực hỗ trợ người dân phòng ngừa và ứng phó thảm họa

Trước tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam đã triển khai nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả để trợ giúp người dân vượt khó, cũng như đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn nhằm khắc phục hậu quả trong giai đoạn tái thiết, phục hồi.

Đoàn công tác của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến thăm, động viên và hỗ trợ các nạn nhân bị thiệt hại trong trận sạt lở đất tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Đoàn công tác của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến thăm, động viên và hỗ trợ các nạn nhân bị thiệt hại trong trận sạt lở đất tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Năm 2020, thiên tai xảy ra trên diện rộng với nhiều loại hình. Mưa, lũ miền trung đã gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân. Trước tình hình đó, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã chỉ đạo toàn hệ thống triển khai các hoạt động một cách kịp thời, hiệu quả; ra Lời kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trợ giúp tiền và hàng hóa; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ trang, thiết bị (khẩu trang, quần áo phòng, chống dịch, dung dịch sát khuẩn…) tới người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân một số nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gần 500 phiên chợ nhân đạo trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ hơn 120 nghìn phiếu mua hàng miễn phí, với tổng kinh phí huy động hơn 35,8 tỷ đồng đã giúp người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể tự lựa chọn những mặt hàng phù hợp với nhu cầu.

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong hoạt động phòng, ngừa ứng phó thảm họa năm 2020, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cho biết: "Tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm họa và đại dịch Covid-19 đạt gần 800 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người. Hội đã chủ động trong công tác điều phối; triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phối hợp các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo, đánh giá thiệt hại và nhu cầu của người dân; công tác truyền thông đối ngoại đã thu hút nguồn lực lớn trong nước và quốc tế. Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách nhân đạo trong ứng phó Covid-19".

Với vai trò là thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, những năm qua, Hội CTĐ tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành liên quan tại các cấp tổ chức nhiều hoạt động từ nâng cao năng lực giúp phòng ngừa đến cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho người dân bị thiệt hại. Điển hình, năm 2020, trước tác động của mưa, lũ vào tháng 9 và 10, Hội CTĐ tỉnh Nghệ An đã trực tiếp vận động và làm cầu nối cho hơn 160 đoàn cứu trợ, trong đó hỗ trợ các tỉnh miền trung trị giá 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ các vùng trong tỉnh trị giá hơn bảy tỷ đồng. Để làm tốt hơn các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Nghệ An Nguyễn Lương Hồng cho biết: "Chúng ta cần quản lý được địa bàn, vùng có nguy cơ, số đối tượng có thể bị ảnh hưởng theo từng loại hình thiên tai để khi có dự báo thiên tai sẽ có thông tin tổng quan. Đồng thời, bộ phận phụ trách hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai phải được tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng, phương tiện và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ về phòng ngừa, ứng phó thiên tai nói chung và hoạt động cứu trợ nói riêng".

Với mục tiêu có các số liệu chính xác và trong thời gian ngắn nhất để làm cơ sở thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo nhanh chóng, kịp thời và phù hợp với nhu cầu của người dân, thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình luôn hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đánh giá thiệt hại và nhu cầu sau thiên tai. "Trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10 năm ngoái ở Quảng Bình khiến cho thôn, bản của các xã, thị trấn bị chia cắt, cô lập, nhiều tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở… Vì thế, để có thể trực tiếp đến từng địa phương đánh giá thiệt hại là vô cùng khó khăn, cho nên việc ứng dụng CNTT trong quản lý thảm họa cho lực lượng phản ứng nhanh thực sự cần thiết", Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Phan Văn Cầu chia sẻ. Do đó, cán bộ Hội các cấp và tình nguyện viên của tỉnh đều sử dụng CNTT trong việc liên hệ, thu thập thông tin, nắm tình hình, nhu cầu của người dân để có báo cáo, đề xuất kịp thời hằng ngày, hằng giờ trong việc ứng cứu và khắc phục hậu quả sau thiên tai nhằm bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Ngoài ra, sự tương tác giữa cán bộ CTĐ và người dân bị ảnh hưởng cũng được cải thiện. Người dân trong vùng thiên tai chủ động thông tin báo cáo về đầu mối tổng hợp thông tin thiệt hại. Mặc dù, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động đánh giá thiệt hại và nhu cầu trong ứng phó khẩn cấp đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thiết bị CNTT cho các hoạt động này còn thiếu và hạn chế về tính năng; năng lực sử dụng thiết bị công nghệ của một số cán bộ CTĐ còn chưa cao; vẫn còn khoảng trống so với nhu cầu thực tiễn nhất là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Để sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 trong năm 2021, Hội CTĐ Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và chỉ đạo toàn hệ thống chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực dự phòng, đa dạng hàng cứu trợ (thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà, viên lọc nước, tấm bạt dựng nhà tạm...) để kịp hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp; tiếp tục kết hợp các hoạt động truyền thông ứng phó phòng, chống dịch với công tác hiến máu tình nguyện; tăng cường công tác vận động hỗ trợ người dân mất nguồn thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tăng cường ứng dụng CNTT trong ứng phó khẩn cấp. Bên cạnh đó, Hội CTĐ Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030", tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Hội và phát huy truyền thống "nhanh nhạy, kịp thời, chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả".