Thận trọng với các trào lưu trên mạng xã hội

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin hiện đại, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… đang chi phối mạnh mẽ đời sống, tình cảm và hành động của thanh niên. Lối sống, phong cách thẩm mỹ mới của giới trẻ hiện nay thay đổi từng ngày, thông qua các trào lưu được chia sẻ với tốc độ “chóng mặt” trên mạng xã hội. Không ít trong số đó đã biến tướng thành những trò đùa, trò hùa vô ý thức, thiếu văn hóa, gây phản cảm và đáng lên án.

Tháng 7-2012, mạng xã hội Facebook công bố số liệu nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng lượng người dùng nhanh nhất trong khu vực châu Á. Chỉ trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6-2012, số lượng người dùng mạng xã hội này tại nước ta tăng tới 55,6%. Theo báo cáo công bố tháng 11-2015 của eMarketer, một công ty của Mỹ chuyên nghiên cứu xu hướng thị trường điện tử, tỷ lệ người dùng Facebook tính trên số người sử dụng in-tơ-nét tại Việt Nam đã lên tới 66,2% trong năm 2015.

Nếu như ở thời điểm mới xuất hiện tại Việt Nam, Facebook chỉ là phương tiện trò chuyện trực tuyến đơn thuần, thì hiện nay, nó đã trở thành địa chỉ không thể thiếu trong giới trẻ. Bên cạnh những mục đích như cập nhật thông tin bạn bè, người thân, trao đổi công việc…, nhiều bạn trẻ còn sử dụng Facebook theo dõi thần tượng, mua bán hàng hóa, hay đơn giản chỉ để “giết thời gian”. Chính từ những mục đích này, nhiều trào lưu phản cảm của giới trẻ đã ra đời và được phát tán với tốc độ “chóng mặt”, bằng cách chia sẻ trên trang cá nhân. Đáng chú ý, một số không nhỏ đã biến thành “trò lố” quá đà, gây phản cảm, tạo gương xấu cho thanh thiếu niên.

Chia sẻ suy nghĩ về những trào lưu này, Đỗ Nhật Linh, sinh viên đại học năm thứ ba tại Hà Nội, thẳng thắn: “Tôi thấy nhiều bạn bè đăng tải các hình ảnh theo trào lưu. Nhiều bạn còn rủ nhau lập nhóm, lập hội ‘bám sát’ từng trào lưu mới. Nhưng cá nhân tôi không cảm thấy thú vị cho nên không bao giờ tham gia”. Trong khi đó, Trương Thanh Tùng, một sinh viên khác, lại tỏ ra “thoáng” hơn: “Nếu chỉ là những trò đùa, mang lại tiếng cười vui và không ảnh hưởng tới người khác thì đôi khi tôi cũng tham gia”.

Thế nhưng, bên cạnh những tiếng cười vui rất đỗi “học đường”, một số lượng không nhỏ trào lưu đã gây tác động tiêu cực, trở nên phản cảm, lố bịch. Hiện nay, số lượng bạn trẻ thích “chơi trội” nhằm đổi lấy sự nổi tiếng trên mạng xã hội đang xuất hiện nhiều hơn. Những thú “chơi ngông” kỳ quái này còn chưa lắng xuống, nhiều người trẻ lại đua nhau theo “mốt” khoe cơ thể. Đáng lo ở chỗ, từ vài cá nhân ban đầu, trào lưu phản cảm này đã lan nhanh như một căn bệnh và lây lan ra cả những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Vừa qua, tại Tọa đàm “Công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trong thanh niên”, do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan T.Ư phối hợp Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) tổ chức, nhiều đại biểu đã nêu bật một thực trạng nhức nhối hiện nay. Đó là một bộ phận không nhỏ thanh niên nước ta có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, lối sống, dễ bị dao động về lập trường, tư tưởng, đề cao lối sống hưởng thụ, thực dụng, cá nhân chủ nghĩa. Nhiều trào lưu mới của thanh niên hiện nay một phần xuất phát từ công tác thông tin, tuyên truyền chưa kịp thời, chưa đầy đủ, đôi khi còn hình thức, chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội…

Tuy nhiên, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên không thể đặt hoàn toàn trách nhiệm lên vai các cơ quan truyền thông nòng cốt của Đảng, Nhà nước và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mà còn phụ thuộc vào ý thức cá nhân của mỗi bạn trẻ. Mạng xã hội là môi trường giao tiếp phong phú, đa dạng, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực, không đơn thuần là nơi giải trí, xả stress như nhiều người vẫn lầm tưởng. Bên cạnh rủi ro bị đánh cắp thông tin cá nhân, mỗi hành động thiếu suy xét đều có thể gây ảnh hưởng xấu tới chính mình và những người khác. Do đó, trước khi tham gia bất kỳ trào lưu nào trên mạng xã hội, hãy nghĩ tới những trách nhiệm, tác động của nó tới cộng đồng.