Tản bộ đường Đồng Khởi

Tản bộ đường Đồng Khởi

"Đến Sài Gòn mà chưa tản bộ trên đường Đồng Khởi thì coi như chưa biết Sài Gòn", một bạn thơ Hà Nội sau nhiều lần bay vào TP Hồ Chí Minh đã "phán" với tôi. Nhâm nhi ly cà-phê buổi sáng ở Highlands Coffee dưới cao ốc Metropolitan, anh còn nói thêm: "Khác với Hà Nội có phần cổ kính, Sài Gòn là thành phố hiện đại, một trung tâm thương mại và giải trí mà đường Đồng Khởi là hình ảnh thu nhỏ". Thực ra đây không phải lần đầu tôi nghe một nhận xét như thế.  Lạ chăng là anh bạn thơ Hà Nội nhấn đi, nhấn lại hai từ "tản bộ" làm tôi hơi ngạc nhiên.

Mà đúng vậy, có lẽ không con đường nào ở TP Hồ Chí Minh tản bộ lý tưởng hơn đường Đồng Khởi, và chỉ có đi bộ mới thưởng lãm được vẻ tao nhã, sang trọng của nó, đặc biệt là những công trình kiến trúc cổ mang phong cách Pháp vẫn còn lưu giữ hay mới phục hồi, tiêu biểu nhất là Nhà hát thành phố. Đường Đồng Khởi thời kỳ đầu Pháp thuộc là đường số 16, đến năm 1865 mang tên Catinat (tên viên đô đốc hải quân Pháp); đúng 90 năm sau - năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm lại đặt thành đường Tự Do; 20 năm sau nữa - năm 1975, khi nước nhà thống nhất, chính quyền quân quản đã đổi thành đường Đồng Khởi - tên một phong trào cách mạng nổi tiếng bắt đầu từ Bến Tre do nữ tướng Nguyễn Thị Định lãnh đạo. Ngược dòng thời gian một chút để thấy rằng con đường này cũng gắn bó chặt chẽ với từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử thành phố và dân tộc. Hiện nay, đường Đồng Khởi dài hơn 900m, lộ giới rộng 20m, từ bến Bạch Đằng, bên sông Sài Gòn, đến đường Nguyễn Du ở quảng trường Công xã Paris, lưu thông xe một chiều. Điều thú vị là số nhà bắt đầu tính từ bến Bạch Đằng, còn nếu đi xe thì buộc phải khởi hành từ đầu ngược lại. Còn đi bộ thì tùy...

Từ sáng đến khuya, bất kể lúc nào du khách cũng có thể lang thang trên phố mà không sợ cái nắng cháy người của phương Nam. Không "nắng cháy" nhưng vẫn có lốm đốm nắng xuyên qua những tán cây xanh đan xen hai bên đường. Nhiều nhà cao tầng sừng sững nhưng vẫn có những khoảng không gian thoáng đãng hay thảm xanh cây lá. Đi bộ về đêm càng thú vị hơn. Dưới ánh điện nhiều mầu sắc, dường như đường Đồng Khởi càng bộc lộ hết vẻ đẹp kiêu kỳ. Vị trí tốt nhất để bắt đầu cuộc tản bộ là từ phía quảng trường Công xã Paris, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng hai công trình kiến trúc cổ: Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện trung tâm, đó là chưa kể bót Catinat (nay là trụ sở Sở VHTT TP Hồ Chí Minh) ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử và văn hóa. Dọc hai bên đường có nhiều công sở, khách sạn, nhà hàng, quán bar, nhà sách, cửa hàng... Bên ngoài, dòng người xe ồn ã tấp nập. Bên trong các hàng quán thì âm nhạc không bao giờ dứt. Giá cả ở đây đắt hơn nơi khác. Một ly cà phê đen máy lạnh giá thường 20.000 đồng - 25.000 đồng. Du khách cũng có thể tìm thấy ở đây rất nhiều hàng hóa mang nhãn hiệu của đủ các quốc gia trên thế giới, nhất là mỹ phẩm và áo quần thời trang. Tuy nhiên ấn tượng nhất là hàng thủ công mỹ nghệ từ những bàn tay tài hoa của người Việt Nam.

Phố Đồng Khởi xưa.

Ai từng đọc Người Mỹ trầm lặng chắc còn nhớ lời của nhà văn Graham Greene khi mở đầu câu chuyện: "Sau khi ăn cơm chiều xong, tôi ngồi chờ một người bạn ở phòng tôi trên đường phố Catinat". Căn phòng này nằm trong Hotel Continental, hiện là điểm hẹn của nhiều du khách hiếu kỳ. Và cũng trên đường này hiện có một điểm hẹn văn nghệ là văn phòng đại diện phía Nam của báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam mà nhà thơ Nguyễn Duy đang là trưởng đại diện. Ở đây còn thường trực một phòng tranh phục vụ du khách. Gần đó, trước đây có hai nhà hàng của nhạc sĩ Phú Quang và danh hài Bảo Quốc, nhưng nay đã đóng cửa, di dời. Xa hơn một chút, ở cuối đường là khách sạn Majestic (có một thời gian ngắn đổi thành Cửu Long) với một giám đốc trẻ rất "máu" nghệ thuật nên cũng là nơi thường diễn ra các cuộc hội họp của giới báo chí, văn nghệ... Nghĩa là ngoài kinh doanh, dịch vụ giải trí thì đường Đồng Khởi còn là "điểm hẹn", văn hóa nghệ thuật thú vị.

Xuất phát từ những ưu thế nên đường Đồng Khởi được UBND thành phố chủ trương biến thành một trong những con đường đi bộ. Một chủ trương đúng đắn và được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ nhưng không hiểu vì sao cho tới nay nó vẫn chưa trở thành hiện thực?