Sẵn sàng cho cuộc sống bình thường mới

Từ chiến lược, chủ trương, biện pháp đúng đắn, linh hoạt, toàn diện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành chức năng, chính quyền địa phương và toàn dân, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Xe máy, ô-tô tấp nập trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ĐỘC LẬP
Xe máy, ô-tô tấp nập trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ĐỘC LẬP

Tại một số địa phương trước đó từng là “điểm nóng” với các ổ bệnh dịch phức tạp, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, an toàn trật tự xã hội được giữ vững, đời sống người dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được giữ vững. Tuy nhiên, dù cuộc sống đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, chúng ta vẫn không được phép chủ quan, lơ là.

Những ngày qua, nhịp sống bình thường đã bắt đầu trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố. Vấn đề được quan tâm vào lúc này là việc đi lại của người dân; người dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trở về quê; vấn đề giao thông vận tải; công nghệ còn chưa thống nhất, thông suốt giữa các nền tảng; việc chăm lo đời sống cho nhân dân vẫn còn sót lọt; trong khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần được phục hồi... Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tiếp tục đổi mới tư duy, tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều biện pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, giúp người dân trở lại làm việc, đưa - đón người dân có nhu cầu về quê, bảo đảm an sinh, an toàn giao thông, trật tự xã hội đã được thực hiện, được người dân đồng tình ủng hộ.

Như sáng ngày 7/10 cửa hầm đèo Hải Vân đã được mở tạo thuận lợi cho người hồi hương. Với các nhóm, đoàn người dân cùng nhau về quê, lực lượng công an, cảnh sát giao thông trực chiến trên mỗi tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đều lập phương án thông đường, dẫn đường, báo cáo tình hình tới các địa phương để có kế hoạch tiếp nhận.

Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc mới nảy sinh, ngày 7/10 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1314/CĐ-TTg gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc tổ chức đưa, đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo. Nhờ vậy đến nay, công tác tổ chức, hỗ trợ người dân trở về quê hương cơ bản đang được diễn ra thuận lợi.

Cùng với đó, nhiều biện pháp giúp người dân sống chung an toàn với dịch bệnh, từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khôi phục nền kinh tế gấp rút thực hiện. Nhiều chính sách, gói hỗ trợ an sinh đã được công bố với trọng tâm là hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các nhóm yếu thế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tính đến ngày 21/9/2021, 17,6 triệu đối tượng trên toàn quốc đã được nhận số tiền 13,8 nghìn tỷ đồng. Ngày 1/10, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg đi kèm gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ngày 7/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra Quyết định số 3309 về việc hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện quy định “1 cung đường, 2 điểm đến” của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ chăm lo nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Đảng và hệ thống chính quyền còn tích cực trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền trẻ em trong đại dịch như: sử dụng ngân sách kết hợp các nguồn vận động để tham vấn tâm lý, hỗ trợ dinh dưỡng, thuốc men, đồ dùng học tập cho người dân đang sống tại các khu vực cách ly, giãn cách xã hội; lập danh sách trẻ mồ côi vì cha, mẹ tử vong do Covid-19 để lên phương án chăm sóc, nuôi dạy; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Trong năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp ra văn bản hướng dẫn việc miễn, giảm học phí; kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Mới nhất, Chính phủ đã bổ sung cơ chế để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay ưu đãi từ gói tín dụng 7.500 tỷ đồng...

Cùng với công tác phòng, chống đại dịch, Chính phủ đã và đang thực thi nhiều biện pháp để đưa nền kinh tế thoát khỏi những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Ngay trong những tháng dịch bệnh gia tăng, tại những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, các xí nghiệp, nhà máy bảo đảm nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “ba tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” vẫn được duy trì hoạt động để hoàn thành tiến độ, mục tiêu đề ra.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các ban, bộ, ngành lập phương án, tạo điều kiện cho quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu diễn ra an toàn, thông suốt. Hiện nay, bên cạnh gói hỗ trợ người lao động, một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: miễn toàn bộ thuế cho cá nhân hộ kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; giảm giá mặt bằng, tìm đầu ra sản phẩm,... tiếp tục được nghiên cứu để tìm ra giải pháp thích hợp.

Không chỉ quan tâm đến các ngành công nghiệp mũi nhọn, đầu tàu, Chính phủ đang xem xét, thí điểm các giải pháp hồi sinh lĩnh vực dịch vụ, giải trí, du lịch theo mô hình “vùng xanh”, “thẻ xanh”. Biến thách thức thành cơ hội, chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đã được gấp rút hoàn thành, hứa hẹn sẽ tạo ra những bước đột phá mới. Vì thế, dù chịu tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, trong chín tháng đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vẫn đạt mức tăng trưởng ở con số dương, báo hiệu “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.

Các biện pháp, giải pháp, hành động thiết thực, cụ thể kể trên là minh chứng rất thuyết phục cho thấy tính hiệu quả của công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, là cơ sở bác bỏ hoàn toàn luận điệu của một số đối tượng thù địch, thiếu thiện chí luôn cố tình rêu rao rằng “Chính phủ Việt Nam chỉ biết chống dịch cực đoan bằng cách phong tỏa, không quan tâm đến đời sống nhân dân”.

Đối mặt với thách thức chưa từng có từ dịch bệnh, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã bình tĩnh, chủ động, đề ra những chính sách linh hoạt, thích ứng nhanh ở từng thời điểm, kịp thời chuyển hướng chiến lược khi phát sinh diễn biến mới. Trong đó nguyên tắc lấy “người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch”, “tính mạng của nhân dân là trên hết”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã luôn là nội dung then chốt của mọi chính sách. Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung hoàn thiện phù hợp với tình hình”,

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn thể nhân dân, tổ chức thực hiện và hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng, đạt kết quả đáng khích lệ trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Xác định công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể. Trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân”.

Đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, từng bước đẩy lùi trên cả nước. Tuy nhiên khi dịch bệnh có thể vẫn còn tiềm ẩn, lẩn khuất đâu đó trong cộng đồng, nếu chúng ta chủ quan, lơ là thì nguy cơ đe dọa thành quả chống dịch vẫn hiện hữu. Thành quả đã đạt được có thể bị phá vỡ nếu một thiểu số người dân vẫn có suy nghĩ, hành xử ích kỷ, thiếu ý thức, không hợp tác với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bởi đến nay vẫn tồn tại ý kiến tẩy chay, phân biệt vắc-xin, không tuân thủ quy định 5K, phản đối các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên mạng xã hội, vẫn còn những đối tượng, tổ chức, hội, nhóm tìm cách lợi dụng tình hình dịch bệnh để kích động, lôi kéo người lao động tự do đang sống tại các khu vực phong tỏa gây rối làm mất an ninh, trật tự, tạo áp lực với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm tra dịch bệnh. Tình trạng tung tin giả, sai sự thật về các gói hỗ trợ an sinh xã hội vẫn xuất hiện trên mạng xã hội. Những hiện tượng này đang trực tiếp cản trở công cuộc phòng, chống dịch bệnh của toàn xã hội, phủ nhận công sức, sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Nguy hiểm hơn, còn tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, thiếu thiện chí lợi dụng để bôi đen sự thật, dựng chuyện, thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, ngụy tạo cái nhìn, đánh giá sai lệch về chính sách an sinh xã hội của Việt Nam trong đại dịch.

Đó cũng là vấn đề mà với ý thức, trách nhiệm của mình, mọi người dân, tổ chức xã hội cần tham gia một cách tích cực, hiệu quả; trước khi hành động, phát ngôn, mọi thông tin đều phải kiểm chứng cụ thể, chính xác, không bình luận hoặc đánh giá có thể gây hiểu lầm, hoặc để bị lợi dụng.

Cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền quan điểm, chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Đảng và Chính phủ, phổ biến các kiến thức phòng, chống dịch bệnh,... với kịp thời đấu tranh, bác bỏ luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu khống. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cần thực sự là cầu nối thông tin hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và Chính phủ với nhân dân, để dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm. Chỉ có như vậy, truyền thông và báo chí mới có thể góp phần cùng toàn dân đạt tới mục tiêu chiến thắng đại dịch.