Nỗ lực khống chế, đẩy lùi dịch bệnh

Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 tại một số địa phương xuất hiện diễn biến mới đáng lo ngại. Sau khi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam nới lỏng giãn cách xã hội, rất nhiều người dân đã trở về quê, gây áp lực cho công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), trong bốn ngày qua đã ghi nhận 33 ca mắc liên quan đến ổ dịch này, đòi hỏi chính quyền thành phố và ngành y tế khẩn trương khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Nỗ lực khống chế, đẩy lùi dịch bệnh

Sáng 3/10, tại chốt Kinh B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang ùn ứ rất nhiều người và phương tiện. Lực lượng phòng, chống dịch của tỉnh phải bố trí một địa điểm rộng tập kết những người trở về quê để test nhanh Covid-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, đã có hơn 7.000 người dân từ TP Hồ Chí Minh, Long An trở về được địa phương giải quyết. Hàng nghìn công dân ở các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu về đến Kiên Giang được tỉnh hỗ trợ đưa đến địa bàn giáp ranh. Kiên Giang có tổng số hơn 105.000 công dân đang làm việc, học tập và lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Lượng người về cùng lúc quá đông đang gây áp lực lên các khu cách ly tại địa phương.

Bảo đảm an toàn cho người dân trở về quê

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 3/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, đã có hơn 15.000 người trở về được 11 địa phương trong tỉnh tổ chức đón nhận. An Giang sẽ hỗ trợ chi phí ăn uống, xét nghiệm cho người dân trong thời gian cách ly tập trung. Các trường học sẽ trưng dụng làm nơi cách ly. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, MTTQ tỉnh sẽ vận động 200 tấn gạo và 5,5 tỷ đồng để giúp các đơn vị đón người về thực hiện cách ly.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, tỉnh đã bố trí cho hơn 2.000 công dân vào các khu cách ly tập trung tại Trường cao đẳng nghề Trà Vinh, ký túc xá Trường đại học Trà Vinh và Trung tâm Văn hóa tỉnh, đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị thêm các khu cách ly để tiếp nhận thêm. Trà Vinh hiện còn khoảng 35.000 công dân ở các địa phương đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 có nguyện vọng về quê.

Từ ngày 30/9 đến nay, Sóc Trăng đón hơn 24.000 công dân từ các nơi trở về; sau khi sàng lọc được các địa phương trong tỉnh đón về khu cách ly tập trung. Tỉnh Cà Mau đã có hơn 6.000 người trở về; qua test nhanh trong số 1.000 người đã có 25 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Cà Mau đã trưng dụng nhiều điểm trường để làm các khu cách ly tập trung với sức chứa khoảng 10.000 người. Các tỉnh, thành phố khác cũng đã tiếp nhận nhiều người trở về, trong đó Vĩnh Long có hơn 2.000 người, Hậu Giang có hơn 800 người…

Để đón nhận người dân trở về quê, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, các địa phương ở Tây Nam Bộ đã chuẩn bị các phương án tiếp nhận, phân loại, đánh giá nguy cơ để xử lý phù hợp, kích hoạt các khu cách ly, bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh đều kêu gọi người dân nên ở lại thêm một thời gian để các tỉnh bố trí phương án trở về an toàn. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Cà Mau sẽ chủ động tổ chức thêm nhiều đợt đón công dân về một cách an toàn khi địa phương bố trí đủ điều kiện. Trong thời gian chờ, lãnh đạo tỉnh tha thiết mong người dân không nên tự phát chạy xe gắn máy về”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phân tích, hiện TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang từng bước tổ chức lại sản xuất để phục hồi kinh tế; các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng trở lại hoạt động, người dân sẽ có việc làm. Chính quyền tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp các địa phương có chính sách hỗ trợ người dân, tiếp thêm nguồn lực để người dân tiếp tục trụ lại.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho rằng, tỉnh luôn chia sẻ với người dân xa quê làm ăn gặp khó khăn trong đại dịch, nhưng tình hình dịch trong tỉnh vẫn diễn biến rất phức tạp, đã có hơn 5.000 ca mắc, trong khi nhân lực ngành y tế mỏng, khu cách ly tập trung có nguy cơ quá tải nên người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cùng quan điểm, người dân không nên tự phát đi về, tỉnh sẽ có kế hoạch đón công dân một cách an toàn...

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh tiếp tục vận động người dân ở lại, đồng thời triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống, tổ chức tiêm vắc-xin, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân… Với những người thật sự cần trở về, các địa phương hợp tác chặt chẽ để đưa đón một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái.

Khẩn trương truy vết các ca bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức

Ngày 30/9, sau 24 ngày không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xuất hiện các ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 liên quan đến Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức. Các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã kịp thời hỗ trợ BV nhằm khoanh vùng, dập dịch an toàn trong thời gian sớm nhất. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, ngay khi nhận được thông tin, UBND quận đã phối hợp lãnh đạo BV thực hiện phong tỏa tạm thời BV để truy vết, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Các lực lượng chức năng thực hiện phong tỏa, phun khử khuẩn toàn bộ tòa nhà D của BV, nhanh chóng điều tra những trường hợp liên quan, rà soát F1, F2.

Nỗ lực khống chế, đẩy lùi dịch bệnh -0
 Tổ Covid cộng đồng phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỗ trợ người dân nhận hàng hóa tại khu vực phong tỏa.Ảnh: MINH HÀ

Trung tâm y tế quận đã hoàn thành xét nghiệm lần một cho toàn bộ hơn 4.000 người là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế; 1.074 người dân sinh sống gần khu vực BV. Tối 2/10, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với BV đã rà soát, truy vết và lập danh sách 112 F1, tổ chức đưa các F1 đi cách ly tập trung tại Trường đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội (huyện Chương Mỹ). Sáng 3/10, Hà Nội phát hiện thêm hai ca mắc liên quan đến BV này. Như vậy, tính đến nay, tại Hà Nội đã có 26 ca dương tính liên quan đến bệnh viện này.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, ngoài phố Phủ Doãn bị cách ly y tế đến 14/10, quận Hoàn Kiếm đã mở rộng diện phong tỏa tạm thời tại các phố Ấu Triệu, Thọ Xương, Chân Cầm và Ngõ Huyện. Sáng 3/10, lực lượng y tế quận Hoàn Kiếm tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 diện rộng cho người trong khu vực bị phong tỏa và những vùng có nguy cơ cao để tiếp tục bóc tách F0, truy vết F1 và các trường hợp liên quan.

UBND quận đã phối hợp BV lên phương án phân luồng bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân chạy thận và khám cấp thuốc ghép tạng được ra và vào BV qua chốt phố Phủ Doãn - Tràng Thi. Các phương án tiếp nhận các vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu của người nhà cung cấp cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế tại khu vực cổng số 40 phố Tràng Thi và chia theo các khung giờ; bảo đảm không tập trung đông người, và có phương án bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài BV.

Trực tiếp kiểm tra công tác khoanh vùng, phòng, chống dịch tại khu vực BV Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu quận Hoàn Kiếm và các cơ quan chức năng của thành phố tập trung làm tốt công tác xét nghiệm nhanh, khoanh vùng gọn, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 15 đến 30/9, có gần 9.000 người đến khám, điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Riêng thành phố Hà Nội có gần 4.900 người, nhiều nhất là người dân các quận Long Biên, Đống Đa và Hoàng Mai. Đáng chú ý, qua các chỉ số xét nghiệm bước đầu cho thấy, tại ổ dịch BV Hữu nghị Việt Đức đã có nhiều mức độ lây nhiễm bệnh, bao gồm cả trường hợp nhiễm cũ và lây nhiễm mới.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã phối hợp quận Hoàn Kiếm và BV Hữu nghị Việt Đức đưa hơn 1.000 người nhà bệnh nhân có liên quan đến các ca mắc Covid đi cách ly tập trung. Thành phố sẽ bố trí khách sạn để cán bộ, nhân viên y tế của BV ăn, nghỉ theo nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”. Sở Y tế Hà Nội đã ra công văn hỏa tốc yêu cầu rà soát nhanh người liên quan tới bệnh viện, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc xét nghiệm sàng lọc, đánh giá nguy cơ đối với cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân.