Nhiều biện pháp quyết liệt từ chính quyền
TP Hồ Chí Minh hiện có 17 KCX, KCN và khu công nghệ cao, trong đó có 1.500 DN đang hoạt động với hơn 280 nghìn công nhân và gần 3.000 chuyên gia nước ngoài. Tính chung trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các đơn vị và DN.
Tỉnh Ðồng Nai có 31 KCN đang hoạt động với khoảng 600 nghìn công nhân. Tỉnh Bình Dương hiện có 29 KCN, 2.028 DN tại các KCN đi vào hoạt động, với gần 500 nghìn lao động, trong đó có 83,9% lao động làm việc trong các DN FDI và 16,1% làm việc trong các DN có vốn đầu tư trong nước. Với số lượng DN, công nhân và người lao động (NLÐ) tập trung đông như vậy, công tác phòng, chống dịch và bảo đảm chuỗi sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các cấp chính quyền.
Trong hai ngày 16 và 17-6, UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi UBND thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện tăng cường thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm triệt để khoanh vùng, dập dịch và hạn chế nguồn lây nhiễm của các chùm ca bệnh mới phát sinh. Ðồng thời phân công đồng chí Dương Anh Ðức, Phó Chủ tịch UBND thành phố tập trung toàn bộ thời gian cho công tác chỉ đạo trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, giúp thành phố thực hiện tốt "mục tiêu kép".
Trong bối cảnh dịch bệnh ở hai địa bàn giáp ranh với Ðồng Nai là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai đã có công văn hỏa tốc đề nghị các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh trao đổi thống nhất với tổ chức công đoàn và NLÐ để có phương án bố trí làm việc phù hợp tại đơn vị, nhất là NLÐ ở địa phương thuộc diện giãn cách xã hội.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ðồng Nai yêu cầu tùy điều kiện, DN có thể bố trí cho NLÐ tạm trú tại công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn của ngành chức năng. Ðối với những trường hợp bất khả kháng, DN yêu cầu NLÐ phải cam kết với lãnh đạo DN thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN phải khẩn trương yêu cầu các KCN, DN sớm xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp, khả thi; đồng thời phải xây dựng kịch bản ứng phó khi phát sinh các trường hợp F0, F1, F2, F3 theo từng cấp độ để có giải pháp ngăn chặn, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả. Ðặc biệt, phải chấp hành nghiêm việc yêu cầu công nhân KCN khai báo y tế hằng ngày; người quản lý KCN, lãnh đạo DN chịu trách nhiệm về thực hiện, phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, lỗ hổng vi phạm, nhất là việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người; không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Những giải pháp quyết liệt của các địa phương nêu trên bước đầu đã góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Trong hai tuần qua, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện trong các KCX, KCN đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tuy có tăng, nhưng đã kịp thời khoanh vùng, truy vết và ngăn chặn sự lây nhiễm, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất tại các KCX, KCN.
Tại Ðồng Nai, trong 10 ngày qua, sau khi phát hiện hai bệnh nhân Covid-19 ngụ tại TP Hồ Chí Minh làm việc tại KCN Amata, TP Biên Hòa, lực lượng chức năng đã khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng cách ly, theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp F1, F2 và yêu cầu DN tạm ngưng hoạt động để khử khuẩn nhà máy. Ðến nay, sau khi các F1 có kết quả xét nghiệm âm tính, hai DN trong KCN Amata đã được phép hoạt động trở lại.
Trong đợt dịch lần này, tỉnh Bình Dương có một số ca bệnh là công nhân trong DN ở KCN Ðồng An 1 (TP Thuận An) và KCN Ðại Ðăng (TP Thủ Dầu Một), nhưng nhờ triển khai các giải pháp phòng, chống dịch chặt chẽ đã hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Doanh nghiệp đồng hành chống dịch
Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 tại các KCN, các DN đã đồng hành cùng các cấp chính quyền quyết tâm thực hiện các giải pháp khẩn cấp nhằm thực hiện thành công "mục tiêu kép".
Bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Niskiso đóng tại KCX Tân Thuận (quận 7) TP Hồ Chí Minh cho biết: Công ty đã giảm số lượng công nhân làm việc, từ 50 người xuống còn 30 người, mỗi công nhân đeo hai chiếc khẩu trang, trong đó một chiếc bên ngoài là loại chuyên dụng và mặc đồ bảo hộ trùm kín. Ngoài ra, trang bị 50 máy phun khử khuẩn tự động, lắp đặt vách ngăn tại nhà ăn và mỗi công nhân chỉ ngồi trong một ô; bố trí thêm hai phòng y tế riêng để phục vụ cách ly các ca nhiễm nếu có. Tất cả những biện pháp này đã được công ty thực hiện và duy trì từ mùa dịch năm trước và nhiều đơn vị chức năng thành phố, chính quyền quận thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Là DN có đông công nhân nhất KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom, Ðồng Nai), với hơn 25 nghìn công nhân, Công ty TNHH Pousung Việt Nam đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, bởi nếu dịch xuất hiện trong nhà máy hậu quả sẽ hết sức nặng nề.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Lê Nhật Trường cho biết, tất cả NLÐ phải khai báo y tế, thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Xe đưa đón công nhân cũng thực hiện giãn cách, chở không quá 50% số người, trước khi vào công ty phải khử khuẩn: "Trong thời điểm này, công ty hạn chế người ngoài vào nhà máy, trường hợp cần thiết thì bố trí khu vực riêng phía trước cổng để tiếp khách. Hơn lúc nào hết, việc phòng dịch bên trong nhà máy đang được nâng cấp độ, tiến hành tách biệt giữa các xưởng sản xuất. Cùng với đó, các tổ Covid-19 do Công đoàn cơ sở thành lập thường xuyên giám sát, nhắc nhở NLÐ có biểu hiện lơ là trong thực hiện các quy định phòng dịch", ông Trường cho hay.
Tại Bình Dương, chủ các DN trong các KCN quan tâm đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận và NLÐ thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tổ chức thu thập tờ khai y tế, nêu rõ lịch trình di chuyển; trang bị khẩu trang, bố trí các khu vực rửa tay sát khuẩn cho công nhân viên, NLÐ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cũng như bố trí các vách ngăn tại bàn ăn. Nhờ đó, hoạt động tại các công ty trong KCN nhìn chung ổn định, NLÐ yên tâm làm việc.
Ngoài ra, trong tình hình dịch diễn biến khó lường như hiện nay, các DN tại TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương cũng đã thực hiện phương án "3 tại chỗ", đó là làm việc, ăn ngủ, sinh hoạt tại nhà máy… Các giải pháp phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp chính quyền và DN sẽ góp phần ngăn chặn và hạn chế dịch bệnh, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, tạo yên tâm cho người lao động.
Bài và ảnh: QUÝ HIỀN, THIÊN VƯƠNG, TRỊNH BÌNH