Quyết liệt giãn cách, phong tỏa
Sáng 19/8, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 151 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, trong đó, TP Nha Trang ghi nhận 126 ca, còn lại ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Tính riêng đợt dịch từ cuối tháng 4 đến nay, Khánh Hòa là địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất ở khu vực miền trung - Tây Nguyên với 4.993 trường hợp. Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh cho biết, địa phương đã thành lập 109 chốt kiểm soát dịch bệnh, 27 tổ tuần tra, kiểm tra liên ngành gồm hơn 500 chiến sĩ công an, dân quân, thanh niên xung kích, quân dự bị động viên...; các xã, phường thiết lập 107 chốt, 83 tổ tự quản trong khu dân cư để kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Các lực lượng chức năng của thành phố đã lập biên bản, xử phạt hơn 1.200 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch, tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng, vi phạm chủ yếu là đi ra đường không có lý do chính đáng.
Tại Đà Nẵng, dịch bùng phát mạnh từ giữa tháng 7, với nhiều ổ dịch lớn, lây lan mạnh ra cộng đồng, như ổ dịch từ cảng cá Thọ Quang, lò mổ Đà Sơn, Công ty Việt Hoa và gần đây là chợ đầu mối Hòa Cường. Tổng số ca nhiễm từ ngày 10/7 đến sáng 19/8 là 2.129. Cuối tháng 7, Đà Nẵng quyết định phong tỏa 5 phường của quận Sơn Trà, những nơi tiếp giáp cảng cá Thọ Quang. Tuy nhiên, các khu vực khác của thành phố lại xuất hiện nhiều ca nhiễm mới. Đánh giá mức độ nguy cơ rất cao, khả năng tiếp tục lan rộng với tốc độ nhanh, ngày 16/8 Đà Nẵng quyết định bổ sung một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “ai ở đâu thì ở đó”. Theo đó, Đà Nẵng phong tỏa toàn thành phố để xét nghiệm diện rộng, phát hiện, truy vết, cách ly khỏi cộng đồng các ca nhiễm và F1 liên quan. Để có quyết định nhanh, quyết liệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố tổ chức họp trực tuyến khẩn trong đêm với lãnh đạo tất cả các ban ngành, quận, huyện, xã, phường, cân nhắc các tình huống để đưa ra chủ trương chưa từng được áp dụng trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: Việc dừng tất cả các hoạt động trong bảy ngày là chấp nhận hy sinh những lợi ích về kinh tế, xã hội… để tập trung xét nghiệm, phát hiện và đưa các ca nhiễm ra khỏi cộng đồng. Vì thế, tất cả cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương phải tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác chấp hành, chỉ có như vậy mới nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn và dập dịch thành công.
Cũng như Khánh Hòa và Đà Nẵng, từ ngày 23/6 đến nay, Phú Yên ghi nhận 2.384 ca nhiễm, tỉnh Bình Định ghi nhận 510 trường hợp. Toàn tỉnh Bình Định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg; một số xã, phường của thị xã An Nhơn và các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Toàn tỉnh tiến hành tổng rà soát, xét nghiệm diện rộng để phát hiện, cách ly ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Tỉnh Phú Yên cũng đang giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại năm địa phương là thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và các huyện: Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và lấy mẫu cho toàn bộ người dân ở những điểm nóng, tỉnh Phú Yên cũng đang phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ những khu dân cư chưa xuất hiện ca dịch để mở rộng dần các “vùng xanh”.
Cung ứng đủ hàng thiết yếu
Tỉnh Bình Định đã chủ động xây dựng, triển khai các phương án dự trữ và cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong vùng cách ly, vùng phong tỏa. Ông Nguyễn Danh Nhân, Giám đốc Co.opmart Bình Định cho biết: Với nhiệm vụ bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng theo yêu cầu của tỉnh, chúng tôi thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”, chủ động dự trữ nguồn hàng, tổ chức xét nghiệm nhanh 3 ngày/lần cho nhân viên; tuân thủ khuyến cáo 5K… để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu cho người dân vùng tâm dịch thị xã An Nhơn. Chúng tôi cũng mở kênh bán hàng trực tuyến, nhận đơn qua điện thoại… giao hàng tận nhà để phục vụ nhân dân khu vực phong tỏa.
Vùng rau chuyên canh Ngọc Lãng là ổ dịch lớn ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) với gần 200 ca mắc, phải phong tỏa hoàn toàn để dập dịch. UBND xã Bình Ngọc lập ngay các tổ hậu cần, chịu trách nhiệm nhận đơn và cung ứng nhu yếu phẩm cho dân. Ba ngày một lần, xã tiếp nhận hàng hóa người dân đặt mua hoặc người thân cung cấp. Tổ hậu cần chuyển đến từng nhà dân, giao hàng không tiếp xúc để bảo đảm an toàn theo địa chỉ. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngân, người dân xã Bình Ngọc xúc động: chính quyền hỗ trợ, cung ứng nhu yếu phẩm thế này bà con rất yên tâm, hàng hóa đến nhà mà tránh được dịch. Những hộ gia đình khó khăn, chính quyền địa phương kêu gọi sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm… cung cấp gạo, nước mắm, trứng gà, dầu ăn, hàng nghìn bình nước ngọt cũng được cấp cho dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh vừa phát động phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19” nhằm phát huy vai trò của các tổ tự quản thôn, tổ dân phố; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân, hướng tới mục tiêu bảo vệ, giữ vững và mở rộng “vùng xanh”; thu hẹp, tiến tới xóa “vùng đỏ”. Nhiều mô hình hỗ trợ cung ứng mặt hàng thiết yếu cho dân rất hiệu quả. Phường Phước Long (Nha Trang) phối hợp Công ty TNHH Quyết Thắng mở điểm “Bán hàng lưu động bình ổn giá - Đồng hành cùng thành phố chống dịch Covid-19” trên hàng chục xe buýt của công ty. Phường Vạn Thạnh triển khai mô hình “chợ ra phố”, “đi chợ giúp dân”. Trung tâm Cứu trợ Covid-19 Khánh Hòa tổ chức thu mua nông sản ở nhiều địa phương, vừa giải quyết đầu ra, vừa đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm tươi sống của người dân trong khu vực phong tỏa.
TP Đà Nẵng đã chuẩn bị tất cả các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho hơn 1,1 triệu dân, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đồng hành Đà Nẵng, hàng loạt địa phương, tổ chức, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ. Tập đoàn Sun Group tặng 30.000 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn và 1.400 tấn củ quả, 100 nghìn bộ test nhanh; Tập đoàn Phương Trang hỗ trợ 2.000 tấn rau củ quả; tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam cũng chia ra nhiều đợt để hỗ trợ thực phẩm cho Đà Nẵng. Để người dân ở nhà trọ, người nghèo, hoàn cảnh neo đơn, người nước ngoài đang sinh sống tại thành phố… có đủ lương thực thực phẩm. Các tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng thường xuyên đi từng nhà, khu chung cư, căn hộ, khách sạn… rà soát, lập danh sách và lên phương án hỗ trợ cần thiết. Đồng chí Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, sau năm ngày phong tỏa, chưa có người dân nào thiếu đói. Khó khăn còn nhiều, nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm từng ngày, với mục tiêu lớn nhất là bảo đảm đời sống người dân trong những ngày phong tỏa ■