Không chủ quan với dịch bệnh trong mùa hành hương

Chuyển sang trạng thái bình thường mới, những ngày gần đây, những di tích lớn như: khu di tích Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam); chùa Hương, phủ Tây Hồ (Hà Nội)... đã được mở cửa, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách thập phương tham quan, chiêm bái. Dù đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhưng do lượng khách đến lớn, chính quyền các địa phương, ban quản lý các khu di tích cũng phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại trạm cấp cứu trước khu vực bán vé lên chùa Hương. (Ảnh XUÂN QUẢNG)
Lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại trạm cấp cứu trước khu vực bán vé lên chùa Hương. (Ảnh XUÂN QUẢNG)

Tháng Giêng luôn là mùa hành hương đối với Phật tử và nhân dân cả nước, cầu một năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa. Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, hầu hết các di tích lớn ở miền bắc đều thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày.

An toàn đặt lên hàng đầu

Ngay từ những ngày đầu xuân, Quảng Ninh đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước đến thăm viếng các di tích văn hóa tâm linh như: danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, chùa Ba Vàng… Trong đó, danh thắng Yên Tử luôn là tâm điểm thu hút đông khách du lịch, nhất là vào dịp khai hội xuân vào ngày 10/2 (tức mồng 10 tháng Giêng). Trước khi vào tham quan di tích, khách được yêu cầu quét mã QR khai báo y tế. Tại đây, Ban quản lý di tích cũng bố trí nước sát khuẩn, khẩu trang phục vụ người dân và du khách. Năm nay, Ban quản lý di tích trang bị hơn 10 máy đo nhiệt độ để kiểm tra thân nhiệt từ xa. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Anh Trần Việt Trung (phường Hòn Gai, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng đi hành hương tại một số điểm thờ tự, di tích lớn trên địa bàn tỉnh. Mặc dù lượng du khách khá đông đến tham quan, chiêm bái, nhưng tôi thấy mọi người đều thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch, vì thế tôi rất yên tâm”.

Tại Hà Nam, mỗi ngày Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (chùa Tam Chúc) đón hàng nghìn du khách. Ban quản lý Khu du lịch yêu cầu du khách đến chùa phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Toản, cán bộ y tế Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Tam Chúc cho biết: “Chúng tôi đã bố trí các điểm cho du khách đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế trước khi vào chùa. Để không xảy ra tình trạng chen lấn, lộn xộn, Ban quản lý khu du lịch tăng cường các lực lượng làm nhiệm vụ để điều tiết lượng du khách, bảo đảm thực hiện nghiêm cho công tác phòng, chống dịch”.

Trong khi đó, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ninh Bình đã thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là các điểm du lịch văn hóa tâm linh như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính. Bên cạnh yêu cầu các điểm du lịch, di tích phải thực hiện nghiêm những quy định về phòng dịch, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã ban hành bộ 19 tiêu chí chung và 11 tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, việc mở cửa hoạt động du lịch trở lại được toàn ngành du lịch chờ đợi sau gần hai năm tạm ngưng vì đại dịch Covid- 19. Năm nay, Khu du lịch sinh thái Tràng An đưa vào sử dụng thêm tuyến du lịch hầm đường bộ mới với lối đi rộng rãi, sạch sẽ, không chỉ làm phong phú hơn sản phẩm du lịch, mà còn khắc phục tình trạng chen lấn, xô đẩy mất an toàn như một số năm trước.

Tại Hà Nội, danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) chính thức mở cửa từ ngày 16/2. Ngay trong ngày đầu đón khách, đã có khoảng 5.000 người đến chiêm bái, lễ Phật. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, UBND huyện Mỹ Đức đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng dịch, tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức tám chốt kiểm soát, ba trạm y tế lưu động, yêu cầu người tham gia phải đeo khẩu trang; khuyến cáo chỉ nên đi lễ khi đã tiêm đủ liều vắc-xin... Ban Tổ chức yêu cầu giảm lượng người đi trên mỗi chuyến cáp treo, tổ chức phân luồng khi có đông khách. Ban quản lý cũng yêu cầu các chủ đò bố trí nước sát khuẩn trên thuyền. Ngoài ra, một đội tuyên truyền lưu động được tổ chức thường xuyên đi dọc suối Yến truyền tải các thông điệp về phòng dịch. Chị Nguyễn Thu Hương (phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy ý thức người tham gia lễ chùa nhìn chung khá tốt. Nếu có người lơ là không đeo khẩu trang, nếu Ban quản lý chưa nhắc nhở, thì những người khách khác cũng nhắc nhở”.

Không chủ quan với dịch bệnh trong mùa hành hương -0
Du khách quét mã QR trước khi lên cáp treo tham quan di tích Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh QUANG THỌ) 

Đề phòng những tình huống phức tạp

Việc các di tích lớn đông khách trong những ngày đầu năm cho thấy người dân đã thích ứng trạng thái bình thường mới, đồng thời là tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch. Song, thực tế cũng đã có những bất cập nảy sinh. Tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), trong ngày rằm tháng Giêng, có thời điểm lượng người đến đông, không bảo đảm việc giữ khoảng cách an toàn phòng dịch. Trưởng Ban quản lý di tích phủ Tây Hồ Trương Tiến Hồi cho biết, trước tình huống ấy, Ban quản lý đã cho đóng cửa gian thờ Mẫu (không đóng cửa toàn bộ di tích), để hạn chế số người tập trung trong không gian hẹp. Tại chùa Hương, có những thời điểm động Hương Tích tập trung mấy trăm người hành lễ cùng lúc, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện người tháo khẩu trang mà không được nhắc nhở kịp thời. Hoặc khi ngồi thuyền di chuyển trên suối Yến, nhiều người cũng tranh thủ tháo khẩu trang...

Tại chùa Tam Chúc, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn có tình trạng du khách chủ quan như không đeo khẩu trang. Đặc biệt, ở một số quán ăn, nhà hàng gần điểm tham quan có hiện tượng du khách tập trung, ăn uống đông người, trong không gian phòng ăn còn chật chội. Nhiều người chủ quan trong tiếp xúc, không đeo khẩu trang, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Tại những di tích lớn khác, tuy không xảy ra chen chúc, nhưng vào một số thời điểm trong ngày lượng khách đổ về đông, lượng người tập trung khá đông tại quầy bán vé vào di tích và các khu vực lên cáp treo, bến thuyền, khai báo y tế… Nhiều người không giữ khoảng cách an toàn, nhưng chưa được nhắc nhở kịp thời. Anh Nguyễn Văn Thắng (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy các di tích đều có không gian rộng, nên khi có tình trạng tập trung đông người, lực lượng chức năng cần can thiệp sớm để điều tiết thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh sẽ giảm”.

Mặc dù các di tích lớn chưa xảy ra sự cố nào về phòng, chống dịch Covid-19, song mùa hành hương còn kéo dài. Điển hình như tại lễ hội chùa Hương, người dân đi lễ chùa từ nay đến cuối tháng Ba âm lịch. Vào những ngày cuối tuần, lượng khách thường tăng đột biến. Do đó, chính quyền các địa phương, ban quản lý các di tích cần chủ động lên phương án ứng phó những tình huống phức tạp; chủ động phân luồng, điều tiết luồng khách khi lượng khách tăng, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm những vi phạm. Việc bảo đảm an toàn sẽ giúp người dân an tâm khi đi lễ, góp phần phục hồi ngành kinh tế du lịch.