Tham dự và chủ trì Hội thảo có các ông: Giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS, TS Lê Công Đức, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP Hồ Chí Minh, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Tại hội thảo, đã có 72 tham luận của các tác giả từ khắp nơi trên cả nước được trình bày. Trong đó, có 26 tham luận về “Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 22 tham luận về “Sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 24 tham luận về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”.
Sau khi thẩm định nội dung các tham luận, Ban tổ chức hội thảo đánh giá đã có nhiều tham luận bảo đảm chất lượng và đáp ứng mục đích yêu cầu của hội thảo, góp phần làm sáng tỏ những đóng góp của Bình Định trong giai đoạn đầu sáng tạo và hình thành chữ Quốc ngữ (1618 - 1622), cũng như các giai đoạn tiếp theo phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).
Tại Hội thảo, nhiều nội dung đã được các nhà khoa học, chuyên gia, tác giả… bàn luận nhằm hướng đến mục đích khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học tiến trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ. Trong đó, có vai trò quan trọng của đất và người Bình Định, địa phương được cho là một trong những nơi phôi thai, điểm khởi nguyên hình thành chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu và phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ ở các giai đoạn tiếp theo.