Giải pháp để các tỉnh miền trung hạn chế thiệt hại do thiên tai

Các tỉnh miền trung nước ta được ví như “rốn” của thiên tai. Tìm những giải pháp chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại, vừa “thuận thiên” đang là vấn đề cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, vào cuộc một cách quyết liệt.

Dân quân xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh giúp người dân làm nhà nổi chống lũ. (Ảnh HUY CƯỜNG)
Dân quân xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh giúp người dân làm nhà nổi chống lũ. (Ảnh HUY CƯỜNG)

Các tỉnh miền trung hiện đang là khu vực phát triển nhanh về kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, nơi đây lại có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, chia cắt, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, đặc biệt bờ biển trải dài hơn 1.900 km với hàng trăm đảo lớn nhỏ. Đây là nơi có số lượng tàu thuyền lớn, đồng thời cũng là nơi nuôi trồng hải sản lớn nhất cả nước. Ngoài ra, còn có nhiều khu du lịch, hệ thống đường giao thông, khu công nghiệp được xây dựng để phát triển kinh tế-xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Song đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai,... gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Sạt lở đất, lũ quét là loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi phía tây các tỉnh miền trung. Ngoài ra, với đặc điểm hệ thống sông ngòi dày đặc, chiều dài ngắn, lòng dẫn hẹp, rất dốc, lũ về nhanh nên thường gây ra ngập lụt lớn khu vực đồng bằng thấp phía đông. Đây là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn.

Nói đến thiên tai điển hình tại các tỉnh miền trung không thể không nói đến hạn hán, xâm nhập mặn. Điển hình, duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, gây thiệt hại lớn về sản xuất; trong đó khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận với lượng mưa trung bình 800 đến 900 mm/năm thấp nhất cả nước thường xuyên xảy ra hạn hán. Sạt lở bờ sông, bờ biển cũng thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sau các trận bão, mưa lũ, gây thiệt hại lớn về nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng trong khu vực. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng, trung bình 5 đến 10 m/năm, cá biệt có những nơi tới 25 m/năm. Hiện tồn tại 88 vị trí với tổng chiều dài 129 km sạt lở nghiêm trọng, một số vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm như khu vực Tam Hải, Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế, Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam...

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại tại các tỉnh miền trung, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt. Trước mắt, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã.

Triển khai hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai, kịch bản phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đề xuất, kiến nghị trang thiết bị phòng, chống thiên tai... Các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết liệt chỉ đạo các công tác về hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng phục vụ chỉ đạo điều hành, hồ chứa, đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, nhà ở an toàn trước thiên tai, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của cộng đồng.

Trong năm 2022, các địa phương cần tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo; cũng như nâng cao chất lượng, khả năng phòng, chống thiên tai, bảo vệ hệ thống hồ chứa, đê điều, công trình hạ tầng gây cản lũ; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai; xây dựng giải pháp thoát lũ và bảo đảm an toàn các đô thị, khu dân cư, sản xuất thích ứng thiên tai...

Về lâu dài, Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó có khu vực miền trung và Tây Nguyên với một số nội dung chủ yếu như: Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; hoàn thành triển khai Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền trung và Tây Nguyên... Đồng thời, tổ chức nghiên cứu nguyên nhân và đề xuất giải pháp thoát lũ cho từng lưu vực sông. Kế hoạch phòng, chống bão mạnh, siêu bão, kế hoạch phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.