Theo quy định tại Công văn hỏa tốc số 6180/UBND-KGVX (Công văn 6180) của UBND tỉnh Đồng Nai, từ 0 giờ ngày 5-6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh 21 ngày đối với tất cả những người từ TP Hồ Chí Minh về, đến Đồng Nai (trừ các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế). Đồng thời, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 đối với người thuộc diện cách ly.
Ngay sau khi quy định này được ban hành đã khiến cuộc sống của nhiều người dân hằng ngày đi lại giữa Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh bị xáo trộn. Bởi lẽ, người lao động phải chọn một trong hai phương án đó là: ở Đồng Nai làm việc hoặc ở TP Hồ Chí Minh làm việc online, không được đi, về giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Anh Phạm Văn Sơn, ngụ phường An Bình, TP Biên Hòa cho rằng: Đưa ra các quy định để phòng, chống dịch là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sẽ khiến cuộc sống của rất nhiều người bị đảo lộn. Như cá nhân tôi nhà ở Biên Hòa, hằng ngày đến làm việc tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức. Bây giờ lựa chọn phương án ở lại TP Hồ Chí Minh 21 ngày cũng không biết xoay xở thế nào, vì phải đi thuê nhà trọ, thêm bao nhiêu thứ phải lo.
Quy định này cũng gây khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai có chuyên gia, người lao động sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, chiều 4-6 Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) đã thông báo đến các chuyên gia sống ở TP Hồ Chí Minh biết quy định. Đồng thời điều xe ô-tô lên TP Hồ Chí Minh để chở những chuyên gia này cùng hành lý về ở tạm tại trụ sở công ty.
Trong khi đó, theo ghi nhận, từ 0 giờ ngày 5-6 các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở cửa ngõ tỉnh Đồng Nai đi vào hoạt động để sàng lọc và áp dụng các biện pháp cách ly 21 ngày đối với người từ TP Hồ Chí Minh về Đồng Nai. Tại các chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1K, thuộc phường Hóa An; quốc lộ 1A gần cầu Đồng Nai; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận huyện Long Thành, lực lượng làm nhiệm vụ đã dừng các xe ô-tô khách, du lịch mang biển kiểm soát TP Hồ Chí Minh và các tỉnh để đo thân nhiệt, lấy thông tin khai báo y tế, đồng thời hướng dẫn lái xe thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được một số ít phương tiện, vì lưu lượng xe trên các tuyến đường này rất lớn, trong khi mỗi chốt chỉ có năm nhân viên làm nhiệm vụ.
Tại chốt kiểm soát trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nhiều người đến tỉnh Đồng Nai làm việc sau khi nghe lực lượng chức năng giải thích quy định buộc phải cách ly 21 ngày nên đã quay đầu xe, trở lại hướng TP Hồ Chí Minh. Còn tại chốt kiểm soát quốc lộ 1K, nhiều lái xe chở hàng hóa lưu thông hằng ngày giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh rất băn khoăn trước thông tin quy định khi vào Đồng Nai phải cách ly y tế, khiến công việc gặp nhiều khó khăn… Thậm chí có người cho biết phải nghỉ một, hai hôm để làm các giấy tờ theo quy định.
Sau khi tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn 6180 đã nhận được sự phản ứng mạnh mẽ của DN, người lao động ở TP Hồ Chí Minh đang làm việc tại Đồng Nai và ngược lại. Bởi, nếu thực hiện theo công văn này sẽ làm nhiều DN ở Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh thiếu lao động dẫn đến trì trệ sản xuất. Ngoài ra, lưu thông hàng hóa, nhất là vận chuyển nguyên liệu từ các cảng tại tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, phục vụ cho các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao ở TP Hồ Chí Minh bị đứt gãy. Trong khi đó, tam giác phát triển được ví như “kiềng ba chân” gồm TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương đang giữ vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng bị đứt đoạn, ảnh hưởng đến mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Trong công văn gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh chiều 4-6, Trưởng ban Ban Quản lý các KCX và KCN thành phố Hồ Chí Minh Hứa Quốc Hưng cho biết, hằng ngày có hơn 6.000 lao động ở Đồng Nai đến các KCX, KCN Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam tại TP Hồ Chí Minh làm việc. Rất nhiều hàng hóa xuất, nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, trong đó có nguyên liệu sản xuất của các DN trong các KCX, KCN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Việc thực hiện theo Công văn 6180 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của nhiều DN; việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh của các DN. Cùng với đó, hằng ngày, còn có khoảng 10 nghìn người làm những nghề phổ thông ở Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh và lao động; chuyên gia ở TP Hồ Chí Minh làm việc ở Đồng Nai cũng gặp nhiều khó khăn nếu thực hiện theo Công văn 6180.
Ngay tối 4-6, UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh phương án hoạt động giao thông vận tải để không làm ảnh hưởng đến lưu thông, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Việc này nhằm bảo đảm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã đề ra; không ảnh hưởng đến lưu thông, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân TP Hồ Chí Minh cũng như của tỉnh Đồng Nai.
Rất may, trước những xáo trộn của người dân, DN khi thực hiện quy định tại Công văn 6180, trưa 5-6, đồng chí Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký, ban hành văn bản hỏa tốc hướng dẫn thực hiện các biện pháp trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, trường hợp cần thiết phải đi về trong ngày giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đối với các chuyên gia, công nhân, người lao động tại các DN, công ty, xí nghiệp đi xe đưa đón, DN phải thực hiện đăng ký số xe cho Công an tỉnh Đồng Nai; đăng ký danh sách công nhân trên từng xe; đăng ký điểm dừng đón, dừng trả công nhân trên địa bàn; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm dịch. Người trên xe phải thực hiện nghiêm quy định 5K về phòng, chống dịch; mỗi xe không chở quá 50% số lượng người so với quy định; thực hiện khử khuẩn xe sau mỗi ngày vận chuyển. Đối với chuyên gia, công nhân, người lao động tự do di chuyển bằng phương tiện cá nhân phải tuân thủ nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch. UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu tất cả các trường hợp chuyên gia, công nhân, người lao động đi xe đưa đón hay đi xe cá nhân nếu không thực hiện nghiêm các quy định nêu trên phải thực hiện cách ly y tế theo quy định tại Công văn số 6180.
Việc UBND tỉnh Đồng Nai nới lỏng đi lại với người về, đến từ TP Hồ Chí Minh khiến người dân, DN thở phào. Bởi lẽ, nhiều DN, người lao động chưa biết tính toán như thế nào để thực hiện như quy định trước đó. Nhiều ý kiến cho rằng, chống dịch là cấp bách, nhưng cũng cần tính toán các phương án, tránh đột ngột, gây hoang mang đối với người dân, DN. Có như vậy, mới thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, việc UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn 6196 trong ngày 5-6 làm cho nhiều DN rất mừng vì đã có nhiều điều chỉnh về quy định phù hợp hơn với thực tế. Hiện, khu công nghệ cao đã và đang phối hợp các DN trong khu đề ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin quản lý công nhân. Với cách làm này, khu công nghệ cao phối hợp các lực lượng ở Đồng Nai một cách chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặt khác, với các quy định được điều chỉnh, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng được thuận hơn so với những quy định trong Công văn 6180.
Đồng Nai điều chỉnh gấp quy định chống dịch gây nhiều ý kiến
Ngày 4-6, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành công văn hỏa tốc áp dụng ngay một số quy định về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có quy định cách ly 21 ngày đối với người về, đến từ TP Hồ Chí Minh. Việc này gây nhiều xáo trộn đến đời sống người dân, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên trưa ngày 5-6, cơ quan chức năng đã nhanh chóng ra văn bản mới điều chỉnh để duy trì thông suốt chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Lực lượng tại chốt kiểm soát Covid-19 quốc lộ 1K, hướng dẫn người dân khai báo y tế trước khi vào địa bàn tỉnh Đồng Nai. |