Công khai các điểm xét nghiệm Covid-19 cho lái xe

Chiều 28/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Ðịnh về công tác phòng, chống dịch hiện nay. Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, vắc-xin phòng Covid-19…

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-tại Bến xe Sơn La.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-tại Bến xe Sơn La.

Ðáng chú ý, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương công khai các địa điểm xét nghiệm cho lái xe và coi lái xe đường dài là đối tượng chỉ định bắt buộc xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT - PCR hoặc test nhanh kháng nguyên.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam lưu ý, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào các địa phương rất lớn do có nhiều tuyến vận tải liên tỉnh, điểm du lịch…; trong khi đó, việc trao đổi thông tin về các trường hợp F0, F1, F2 giữa các địa phương còn chậm. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu khi chưa có dịch, các địa phương phải tăng cường năng lực xét nghiệm, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm, nỗ lực giữ an toàn cho các bệnh viện, xác định những khu vực có nguy cơ cao ngoài cộng đồng như bến tàu, bến xe, chợ… để xét nghiệm tầm soát, sàng lọc. Các địa phương cần tính đến phương án cách ly tập trung tại chỗ. Cần chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy nắm toàn bộ danh sách và khai báo y tế cho công nhân; kiểm tra phương án phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, nhà máy, trong đó có việc phân lại ca, kíp sản xuất cho công nhân theo nơi cư trú…

Về thực hiện khoanh vùng, giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tùy theo tình hình, các địa phương tự quyết định diện khoanh vùng và khẩn trương xét nghiệm để xác định phạm vi khoanh vùng hẹp, chặt nhất có thể. Các địa phương quán triệt tinh thần của Quyết định 2686/QÐ-BCÐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trong ngày 28/6, Việt Nam ghi nhận 391 ca mắc mới, trong đó có chín ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 382 ca ghi nhận trong nước, tại TP Hồ Chí Minh (218 ca), Bình Dương (40 ca), Bắc Giang (26 ca), Quảng Ngãi (20 ca), Bắc Ninh (16 ca), Nghệ An (11 ca), Ðồng Nai (11 ca), Phú Yên (10 ca), Hà Tĩnh (bảy ca), Long An (sáu ca), Bình Thuận (sáu ca), Lạng Sơn (hai ca), Quảng Ninh (hai ca), Hưng Yên (hai ca), Hòa Bình (một ca), Ðà Nẵng (một ca), Hải Phòng (một ca), Ðồng Tháp (một ca), Ðắk Lắk (một ca). Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang đăng ký bổ sung trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 thêm bảy ca, đây là các trường hợp được rà soát, hoàn thiện thông tin ca bệnh. Trong ngày, có 200 người bệnh Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh ngày 28/6, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định: Mặc dù thành phố quyết tâm nâng cao, tăng cường, siết chặt hơn nữa bằng Chỉ thị 10, nhưng sau hơn một tuần thực hiện, các ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng. Vì vậy, thành phố cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chỉ đạo thành phố cần xem xét lại việc tổ chức thực hiện công tác xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm để nâng cao hiệu quả và tốc độ truy vết. Khi nhận được kit test nhanh được Chính phủ hỗ trợ, thành phố cần lập tức triển khai thí điểm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người và các quận, huyện; đồng thời rà soát các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần cảnh giác cao nhất. Ngành y tế thành phố sơ kết, đánh giá lại việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin đợt bốn, từ đó rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế cho các đợt tiêm chủng tiếp theo. Thành phố cần mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn thành phố.

Ðến chiều 28/6, tỉnh Ðồng Tháp ghi nhận thêm 21 trường hợp nghi mắc Covid-19 có liên quan ổ dịch tại Bệnh viện đa khoa Sa Ðéc. Qua đó, nâng tổng số ca nhiễm, nghi nhiễm liên quan ổ dịch này là 30 ca (trong đó Bộ Y tế đã công bố chín ca). Trước tình hình xuất hiện nhiều ca nghi nhiễm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp yêu cầu tạm dừng hoạt động chợ đêm và hoạt động cấp căn cước công dân trên địa bàn tỉnh; các ngành, địa phương tập trung mọi lực lượng, giải pháp, không để ổ dịch tiếp tục lan ra cộng đồng.

Từ 12 giờ ngày 28/6, tỉnh Thái Bình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các xã: Bắc Sơn, Duyên Hải, Dân Chủ, Ðiệp Nông (huyện Hưng Hà). Ðây là các xã tiếp giáp với huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), nơi đang là tâm dịch của tỉnh khi có năm ca dương tính liên quan đến nhà xe Trung Ðức chạy tuyến Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh.

Một số địa phương sau khi ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong ngày đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch: Tỉnh Kiên Giang kéo dài thời gian dừng một số hoạt động dịch vụ kinh doanh trên địa bàn TP Rạch Giá đến hết ngày 3/7. Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện cách giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với toàn bộ TP Quảng Ngãi kể từ 0 giờ ngày 29/6. Tỉnh Ðắk Lắk khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần người bệnh. Tỉnh Phú Yên thành lập Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch; TP Tuy Hòa tạm dừng hoạt động chợ chính Tuy Hòa.

Sở Y tế và Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn liên ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, tất cả thí sinh phải hoàn thành khai báo y tế trực tuyến xong trước ngày 7/7 thông qua các phần mềm trực tuyến như NCOVI, Bluezone hoặc trên website https://tokhaiyte.vn... Các thí sinh phải chủ động theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt hằng ngày, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở…, phải báo cáo cho điểm thi và trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi thí sinh cư trú để được hướng dẫn kịp thời.