Ngày 27/9, Cục Quản lý di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc thông báo kết quả khám phá khảo cổ tại 3 di chỉ khảo cổ là Di chỉ Bì Lạc huyện Đạo Thành, tỉnh Tứ Xuyên; Di chỉ Bạt Sơn huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông và Di chỉ động Tiên Nhân huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam. Trong đó, tại di chỉ ở Tứ Xuyên khai quật được hơn 6.000 công cụ bằng đá. Tại di chỉ ở tỉnh Sơn Đông khai quật được hóa thạch rìu cầm tay và rìu lưỡi mỏng.
Đặc biệt, tại di chỉ hang Tiên Nhân huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, các nhà khảo cổ học đã khai quật được hóa thạch sọ người và nhiều công cụ bằng đá.
Cụ thể, bằng phương pháp xác định niên đại uranium, các nhà khảo cổ học xác định hai trong số các mảnh sọ người được khai quật tại di chỉ hang Tiên Nhân có niên đại sớm nhất cách đây lần lượt là 32 nghìn năm và 12 nghìn năm. Mảnh sọ có niên đại 32 nghìn năm tuổi là xương trán của người, có độ dày nằm trong phạm vi biến dạng cho phép của người hiện đại. Đây là hóa thạch người tiền sử có niên đại sớm nhất được tìm thấy ở Hà Nam, Trung Quốc cho đến nay.
Phát hiện mới này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu nguồn gốc và sự tiến hóa của người hiện đại Trung Quốc.
Người phụ trách Dự án điều tra khảo cổ đồ đá cổ đại Bình Đỉnh Sơn thuộc Viện nghiên cứu di sản khảo cổ tỉnh Hà Nam, ông Triệu Thanh Ba cho biết, hang Tiên Nhân dài 9m, rộng 3m, cao 3,9m, diện tích bên trong khoảng 30m2. So với 40 hang động khác chung quanh, hang Tiên Sơn được ví như một “dinh thự”, đủ cho khoảng 10 người ở.
Trước đó, các nhà khảo cổ học đã khai quật được hóa thạch răng người, mảnh sọ người tại khu vực di chỉ hang Tiên Nhân. Ngoài ra còn tìm thấy hơn 10 nghìn mảnh xương của động vật, có niên đại khoảng 30 nghìn đến 40 nghìn năm tuổi. Trong hang, các nhà khoa học cũng tìm thấy các công cụ bằng đá.