Phát hiện di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều hiếm gặp tại Thái Nguyên, Trung Quốc

NDO -

Ngày 11/11, Viện Khảo cổ học tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) cho biết, tại khu vực thi công xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở trực thuộc Học viện vật liệu và năng lượng Đại học Khoa học công nghệ quốc gia Thái Nguyên (Trung Quốc) đã phát hiện di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều có niên đại cách đây hơn 5.500 năm.

Đồ gốm khai quật được. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)
Đồ gốm khai quật được. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)

Đây là một di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều hiếm thấy, có giá trị học thuật quan trọng trong việc nghiên cứu đặc trưng văn hóa thời kỳ đồ đá mới khu vực châu thổ Thái Nguyên cũng như trong việc xây dựng trình tự văn hóa tiền sử của khu vực này và tìm hiểu về sự giao lưu văn hóa thời tiền sử ở Thái Nguyên và các khu vực lân cận.

Tại di chỉ văn hóa này, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 98 hố tro, 11 lò gốm, 2 ngôi nhà từ thời Nguyên Thiều, 6 ngôi mộ thời nhà Minh (1368 - 1644) và thời nhà Thanh (1644 - 1911). Ngoài ra còn khai quật được một số lượng lớn các mảnh gốm, công cụ đá, công cụ bằng xương và xương động vật. Đặc trưng văn hóa của khu vực này rất đơn giản, chủ yếu là những gì còn lại của thời kỳ giữa và cuối thời Nguyên Thiều.

Phát hiện di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiều hiếm gặp tại Thái Nguyên, Trung Quốc -0
Dấu tích kiến trúc ngũ giác. (Ảnh: Nhân dân nhật báo)

Trong lần khai quật này, các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra một dấu tích kiến trúc ngũ giác, với diện tích khoảng 32m2. Đây là dấu tích nhà ở có niên đại lâu đời nhất thuộc thời Nguyên Thiều được phát hiện tại Thái Nguyên cho đến nay, một dấu tích thực sự rất hiếm.

Theo đánh giá sơ bộ, tại di chỉ này chủ yếu phát hiện hố tro, số lượng nhà cửa và khu lò nung ít, không tìm thấy mộ cùng thời nên các nhà khảo cổ nhận định rằng đây chỉ là một phần khu định cư của người tiền sử chứ không phải trung tâm các hoạt động của họ.

Ngoài ra, di chỉ này chỉ cách di chỉ Trấn Thành của thời kỳ Văn hóa Long Sơn khoảng 500m về phía bắc. 2 di chỉ này xét về thời kỳ có mối quan hệ trước sau, vì thế có giá trị lớn về mặt tư liệu trong việc nghiên cứu sự di cư và thay đổi hình thái định cư của người tiền sử.