Trong một tuyên bố tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Guterres cho rằng Thủ tướng Hamdok “phải được trả tự do ngay lập tức”.
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu Hội đồng tối cao Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan nói rằng Thủ tướng Hamdok đang “ở nhà tôi nhằm tránh nguy hiểm”.
Tướng al-Burhan cho biết thêm Thủ tướng Hamdok “trong tình trạng sức khỏe tốt” và sẽ “được về nhà sau khi cuộc khủng hoảng được giải quyết”.
Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Sudan đã kêu gọi trả tự do cho Thủ tướng Hamdok và những người bị bắt giữ cùng với ông. Văn phòng này khẳng định ông Hamdok vẫn là “người nắm quyền hành pháp được người dân Sudan và thế giới công nhận”.
Tình hình tại Sudan đang diễn biến phức tạp sau cuộc đảo chính. Giám đốc Cơ quan hàng không dân dụng Sudan, Ibrahim Adlan ngày 26/10 cho biết nước này đã đình chỉ mọi chuyến bay đến và đi cho tới ngày 30/10.
Quan chức trên nhấn mạnh: “Tất cả các chuyến bay đến và đi từ sân bay Khartoum sẽ bị ngừng do tình hình đất nước”.
Ngày 25/10, quân đội Sudan đã bắt giữ hầu hết các thành viên Nội các. Binh sĩ đã dùng đạn thật để trấn áp các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ủng hộ chính phủ chuyển tiếp, khi họ tới gần Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum, khiến ít nhất 12 người bị thương.
Tướng Burhan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán Hội đồng tối cao dân sự và chính phủ chuyển tiếp của nước này.
Sudan đã trải qua quá trình chuyển đổi bấp bênh do những chia rẽ chính trị và tranh giành quyền lực kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019.
Kể từ tháng 8/2019, Sudan do Hội đồng tối cao gồm các đại diện quân sự - dân sự cùng điều hành đất nước. Ngày 21/9 vừa qua, truyền thông Sudan đưa tin các lực lượng an ninh đã đập tan một âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, các thông tin không đề cập đến lực lượng đứng sau âm mưu đảo chính khi đó.