Cùng với nhiều biện pháp phòng, chống dịch được tuyên truyền rộng rãi như rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh môi trường..., vũ điệu rửa tay “Ghen Cô Vi” của Việt Nam không chỉ tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, mà còn khiến thế giới phấn khích và thán phục.
★ Tờ Les Echos của Pháp trong tuần qua đã có bài viết về cuộc chiến chống đại dịch tại Việt Nam, đánh giá rằng Việt Nam là “một trường hợp ngoại lệ” và khó có nước nào có thể làm tốt hơn. Les Echos đánh giá chiến lược thắng lợi của Việt Nam là dựa trên nhận thức sớm về mối đe dọa và sự cách ly nghiêm ngặt những người nhiễm bệnh. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lựa chọn một chiến lược “chi phí thấp”, xác định nhanh chóng và cách ly khẩn cấp những người nhiễm bệnh, cũng như theo dõi chặt chẽ các đối tượng đã tiếp xúc với họ.
★ Với tinh thần đoàn kết, đồng thời thể hiện sự sẻ chia của người Việt Nam đối với người dân LB Nga chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, mới đây, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố I-rơ-cút-xcơ đã tặng 4.000 chiếc khẩu trang vải sử dụng nhiều lần cho văn phòng điều hành chiến dịch tình nguyện “Chúng tôi cùng nhau” của tỉnh I-rơ-cút-xcơ. Cộng đồng người Việt Nam tại thành phố I-rơ-cút-xcơ là cộng đồng nhỏ với khoảng 250 người. Hành động tặng khẩu trang tình nghĩa của người Việt Nam đã được phát trên kênh truyền hình Vesti Irkutsk của thành phố.
★ Ðánh giá về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, Ðại sứ LB Nga tại Việt Nam C.Vnu-cốp nhận định, ngay từ những ngày đầu chống dịch, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng đồng bộ, kịp thời, hiệu quả những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh. Ðánh giá cao phương châm “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ Việt Nam, Ðại sứ LB Nga nêu rõ, sự đồng lòng ủng hộ của người dân, tuân thủ các biện pháp an toàn, nâng cao ý thức, trách nhiệm đã mang lại hiệu quả, đạt được thành tích đáng tự hào như hiện nay.
★ Trong khi đó, Ðại sứ Chi-lê tại Việt Nam G.Chô-ma-li đánh giá những nỗ lực phòng, chống dịch đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam đã mang lại kết quả thuyết phục. Do đó, Ðại sứ quán Chi-lê đã nghiên cứu kỹ những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch để truyền tải tới Chính phủ Chi-lê. Ðại sứ Chi-lê tin tưởng Việt Nam sẽ có sự phục hồi kinh tế nhanh và sớm so với các nước khác trong khu vực vào năm tới.
★ Ngày 24-4, Cơ quan chuyên môn về thẩm định sản phẩm y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư thông báo việc công nhận bộ kit xét nghiệm Covid-19 “LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR” của Việt Nam, do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. Theo đó, cơ quan thẩm định của WHO công nhận sản phẩm bộ kit xét nghiệm LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR của Việt Nam sản xuất theo Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00. Trước đó, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm này.
★ Ngày 24-4, báo Standart của Áo có bài phân tích mang tựa đề “Không trường hợp tử vong do Covid-19 và chỉ hai ca nhiễm mới trong 11 ngày - Việt Nam đã trở thành hình mẫu trong phòng, chống dịch Covid-19”. Bài viết nhấn mạnh, Việt Nam, một quốc gia đang phát triển và có nguồn lực hạn chế, đã khống chế rất tốt dịch bằng những biện pháp có chi phí thấp và không cần áp dụng các phương pháp công nghệ điều trị tốn kém. Chìa khóa cho thành công của Việt Nam là sự phản ứng rất sớm của Chính phủ ngay từ khi thông tin về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng và tinh thần của người dân trong thực hiện nghiêm túc các biện pháp ứng phó. Bài viết kết luận, mô hình phòng, chống Covid-19 của Việt Nam đáng để các quốc gia, kể cả các nước phát triển, học tập trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn được khống chế.