Công việc này bắt đầu được tiến hành sau vụ khủng bố 11-9-2001. CIA và Bộ Tài chính Mỹ đã thoả thuận với Cơ quan viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) có trụ sở tại Brussels, Bỉ để được phép theo dõi các số liệu chuyển tiền. Theo Thời báo New York, đây là “trung tâm đầu não của lĩnh vực ngân hàng thế giới”.
CIA cũng ký thoả thuận hợp tác với các mạng lưới rút tiền tự động hay các công ty chuyển tiền như Western Union.
7.800 thể chế tài chính tại hơn 200 nước
SWIFT có trụ sở tại La Hulpe, gần thủ đô Brussels của Bỉ, cung cấp dịch vụ thư tín an toàn cho 7.800 thể chế tài chính (phần lớn là các ngân hàng, công ty môi giới hoặc các nhà quản lý quỹ) tại hơn 200 quốc gia.
SWIFT không làm nhiệm vụ chuyển tiền mà là hệ thống thanh toán phi tập trung: qua các bức điện gửi tới SWIFT, các thể chế tài chính giao dịch trực tiếp mà không cần thông qua một trung tâm thanh toán. Mỗi ngày có hơn 11 triệu bức điện trao đổi qua SWIFT. Năm 2004, một số nghị sĩ Bỉ cho rằng mọi hoạt động chuyển tiền mặt quốc tế đều qua hệ thống này.
Các bức điện SWIFT được định dạng một cách nghiêm ngặt. Người gửi và người nhận được quy định thành mã. Bốn chữ cái cho biết tên thể chế, hai chữ tiếp theo là nước, sau đó là hai ký hiệu về nơi đặt thể chế và ba chữ tiếp theo là chi nhánh hoạt động. Mã SWIFT của Ngân hàng trung ương Pháp là BDFEFRPPXXX.
Được sự đồng ý của SWIFT, CIA đã nghiên cứu các “tế bào” của nền tài chính quốc tế. Chương trình được thực hiện dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính. “Chúng ta đã mở một cửa sổ duy nhất và tuyệt vời ra các hoạt động của các mạng lưới khủng bố và chắc chắn tạo nên một hình mẫu của việc sử dụng hợp pháp và công bằng quyền lực của chúng ta”, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Stuart Levey, phụ trách khủng bố và tình báo tài chính, nhấn mạnh.
“Công cụ sống còn” của chính quyền Bush, theo tờ báo, đã cho phép bắt giữ Riduan Isamuddin, tức Hambali, được coi là chỉ huy các vụ đánh bom tại Bali năm 2002 làm hơn 200 người chết. Việc kiểm tra các hoạt động chuyển tiền còn phát hiện số tiền được chuyển từ tài khoản của một kẻ tình nghi tại A-rập Xê-út cho một giáo đường ở New York.
Vấn đề gây tranh cãi
Sau vụ bê bối nghe trộm của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng do Thời báo New York tiết lộ tháng 12 năm ngoái, các chương trình tình báo Mỹ luôn là các chủ đề gây tranh cãi. Thời báo New York cho biết các thành viên chính quyền Bush đã đề nghị không đăng bài báo này nhằm bảo đảm tính hiệu quả của chương trình.
Tổng Biên tập Thời báo New York, Bill Keller, nói: “Chúng tôi hiểu rằng việc xâm nhập bất thường của chính quyền vào kho dữ liệu tài chính quốc tế cũng như khai thác nó là một vấn đề gây tranh luận công khai”.
Sau khi bị tiết lộ, chính quyền Mỹ đã tìm cách bảo vệ tính hợp pháp của chương trình. Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng, luật pháp Mỹ cấm xâm phạm các vụ chuyển tiền cá nhân nhưng không áp dụng trong trường hợp SWIFT vì đây không phải là một ngân hàng hay thể chế tài chính, mà chỉ là trung gian dịch vụ thư tín. Bộ trưởng John Snow nói thêm, chỉ các giao dịch SWIFT bị nghi liên quan khủng bố mới bị theo dõi, điều tra.
Tuy nhiên, Thời báo New York dẫn lời một số nhà chức trách cho rằng, giới tình báo xếp vấn đề này trong “vùng xám” của luật pháp và việc tiết lộ các biện pháp giám sát tài chính “rất bất thường” này có thể gây hậu quả cho hệ thống SWIFT.
Cơ quan của Bỉ đã nhanh chóng phản ứng. Trong một thông cáo, SWIFT giải thích rằng sự hợp tác với các chính quyền là một trong những truyền thống của họ và khuôn khổ của chương trình này đã được thảo luận cùng CIA nhằm “bảo vệ bí mật của khách hàng”.
Vùng xám
Theo các quan chức Mỹ, việc giám sát chỉ được tiến hành với khoảng “vài chục nghìn giao dịch” bị nghi liên quan đến các mạng lưới khủng bố như Al-Qaeda. “Khi theo dõi giao dịch, Mỹ có thể xác định vị trí các phần tử và những kẻ tài trợ, phá tan các mạng lưới khủng bố, đưa chúng ra xét xử và cứu sống nhiều người”, Bộ trưởng Tài chính John Snow lập luận.
Chương trình bí mật có vẻ không nhận được sự đồng ý của Quốc hội Mỹ. Để tiến hành, chính quyền Bush dựa vào những quyền lực khẩn cấp về kinh tế của Tổng thống. Qua một thoả thuận ký với SWIFT, CIA có thể theo dõi các giao dịch mà không cần phải có bằng chứng trước. Theo ông Snow, “chương trình này phù hợp các giá trị dân chủ và truyền thống tư pháp của Mỹ”.
Một số chuyên gia nghi ngờ tính hợp pháp của chương trình bởi SWIFT được điều chỉnh bởi luật pháp châu Âu, trong đó có bí mật tài khoản ngân hàng và bảo vệ cuộc sống cá nhân.