Đến dự lễ công bố có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải và Trần Quang Phương.
Theo Nghị quyết số 414/NQ-UBTVQH15 ngày 8/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch gồm Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà. Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam gồm 45 Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước.
Tại Nghị quyết số 409/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Khóa XV do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh làm Chủ tịch. Tại Nghị quyết số 405/NQ-UBTVQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV do Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn làm Chủ tịch.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Quốc hội Việt Nam thiết lập quan hệ nghị viện với khoảng 180 quốc gia trên thế giới và là thành viên của nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác nghị viện đa phương khu vực và thế giới.
“Công tác đối ngoại của Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, được tiến hành đồng thời và gắn bó chặt chẽ với công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao Nhân dân”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua đã có nhiều cuộc hội đàm, gặp gỡ, tiếp xúc song phương theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với lãnh đạo nghị viện các nước, qua đó, lãnh đạo nghị viện các nước đều mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Quốc hội Việt Nam từ lãnh đạo cấp cao đến các cơ quan của Quốc hội, các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị nhằm giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất trong hoạt động nghị viện của mỗi nước.
Gần đây nhất, bên lề Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Tổng Thư ký IPU đều đánh giá rất cao vai trò, vị thế và những đóng góp hiệu quả của Quốc hội Việt Nam cho diễn đàn nghị viện đa phương lớn nhất thế giới này. Đồng thời, lãnh đạo các tổ chức nghị viện, lãnh đạo Quốc hội/nghị viện nhiều nước đánh giá cao Việt Nam có nhiều kinh nghiệm tổ chức các hoạt động nghị viện đa phương quy mô lớn, bày tỏ mong muốn Quốc hội Việt Nam có thể đăng cai tổ chức một số hoạt động ở cấp độ toàn cầu của IPU.
Việc thiết lập quan hệ hợp tác nghị viện với các nước và là thành viên của các tổ chức, cơ chế hợp tác nghị viện đa phương là điều kiện để Việt Nam, Quốc hội Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các cơ chế nghị viện đa phương khu vực và quốc tế, đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với nghị viện các nước, cũng như tiếp tục phát huy vai trò là một kênh quan trọng, hiệu quả trong thực thi, hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam và 45 Nhóm Nghị sĩ hữu nghị có vai trò quan trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước, xác lập vị thế của Quốc hội Việt Nam trong nền ngoại giao nghị viện thế giới, qua đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác, tăng cường hiểu biết, sự tin cậy giữa Việt Nam và các nước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị sẽ đóng vai trò là cầu nối tích cực giữa Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước.
Đối với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội nữ, đại biểu Quốc hội trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động Quốc hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan bình đẳng giới, các chính sách cho giới trẻ…
“Các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động, đóng góp hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội và đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn các cơ quan của Trung ương đã thường xuyên quan tâm, giúp cho công tác đối ngoại của Quốc hội gắn kết chặt chẽ với công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao Nhân dân.
Tại lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Nghị quyết và tặng hoa chúc mừng Đoàn Chủ tịch Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ban Thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và Ban Thường trực Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ.
* Chiều nay, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận, cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) theo hình thức trực tuyến nhằm chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị APPF-29 diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 12 tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận các dự thảo Nghị quyết về các vấn đề chính trị và an ninh. Phiên họp trực tuyến chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) diễn ra từ ngày 8 đến 19/11.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp trực tuyến Hội nghị APPF-29 nhằm thảo luận và đóng góp ý kiến với các dự thảo Nghị quyết, dự thảo Thông cáo chung của APPF-29 để trình Hội nghị APPF-29.
Tại Phiên họp chiều 8/11, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đóng góp ý kiến vào dự thảo 3 nghị quyết: về “Sự dẫn dắt của Nghị viện vì hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hơn thế nữa”; về “Tăng cường chủ nghĩa đa phương trong khu vực và giải quyết các vấn đề dựa trên luật lệ”; và về “Thúc đẩy hợp tác lấy con người làm trung tâm bằng cách bảo đảm an ninh con người”.