Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát thực tiễn và lĩnh vực được chất vấn, đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 24/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương , Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. 100% đại biểu thông qua dự thảo Nghị quyết.
Nghị quyết nêu rõ: Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần khoa học, đổi mới, dân chủ, xây dựng và trách nhiệm cao, phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV diễn ra rất sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri, nhân dân cả nước và đã thành công tốt đẹp.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng tham gia chất vấn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề tồn tại nhiều năm; đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân. Nhất là các nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để khắc phục các vấn đề bất cập, vướng mắc, giải quyết các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đã được chỉ ra trong quá trình chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp cũng tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Cân đối cung-cầu xăng dầu trong mọi tình huống
Đối với lĩnh vực công thương, xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng, thực hiện quyết liệt, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống. Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu.
Tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân. Kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác nhằm bình ổn thị trường. Trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…). Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lẩn tránh, gian lận xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, trên đường biển, đường bộ, hàng không. Nhất là đối với các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra sai phạm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu.
Trong năm 2022, ban hành đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ, thời gian nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
Kiên quyết thu hồi đất của các nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan, bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Phối hợp các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường. Có chế tài đủ mạnh ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ cho từng địa phương.
Việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải gắn với năng lực thực hiện. Kiên quyết thu hồi đất của các nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ nhằm sử dụng có hiệu quả đất khu công nghiệp, tạo môi trường đầu tư lành mạnh. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025 trước 31/12/2022. Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất.
Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất. Hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai. Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải và rác thải. Chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm. Nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.