Tọa đàm xây dựng, thi hành pháp luật, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

NDO -

Sáng 2/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm, lắng nghe ý kiến các chuyên gia chuyên sâu về một số nội dung phục vụ việc xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Quang cảnh tọa đàm chuyên gia về hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Quang cảnh tọa đàm chuyên gia về hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.

Đó là các chiến lược lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.

Hai chuyên đề tiếp theo về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Đến nay, tiến độ thực hiện các chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội rất tích cực. Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện và gửi tới Ban Chỉ đạo Trung ương chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN”.

Chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đã được hoàn thiện, sẽ được Đảng đoàn Quốc hội nghiệm thu vào ngày 3/11.

Hai chuyên đề còn lại, trong đó có chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đang được tích cực triển khai trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lĩnh vực rất khó, rất phức tạp. Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện chỉ quy định về chương trình xây dựng pháp luật hằng năm. Chiến lược đã xác định 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong giai đoạn 5 năm tới.

Tọa đàm xây dựng, thi hành pháp luật, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc tọa đàm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là định hướng lớn, làm căn cứ triển khai chương trình xây dựng pháp luật hằng năm mang tính chủ động, bao quát hơn. Ngày mai, 3/11, Đảng đoàn Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai.

Tại cuộc tọa đàm sáng nay, các chuyên gia tập trung thảo luận, cho ý kiến vào ba vấn đề: về định hướng thống nhất nội hàm một số khái niệm; nguyên tắc yêu cầu với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật; mục tiêu, phương hướng, giải pháp xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Qua phát biểu ý kiến, các đại biểu nhấn mạnh hai nội dung quan trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt chất lượng cao và tổ chức thực thi pháp luật hiệu quả. Từ đó, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch.

Nội dung quan trọng khác là hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhiều chuyên gia pháp luật đề nghị nhấn mạnh yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục kế thừa, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật đẩy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững gắn với tổ chức thi hành pháp luật...

Một số đại biểu cũng kiến nghị cần tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng hơn thực trạng hệ thống pháp luật hiện hành và kết quả tổ chức thi hành pháp luật để nhận diện đúng năng lực lập pháp, lập quy và năng lực tổ chức thi hành pháp luật, làm rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm.

Một số ý kiến kiến nghị tiếp tục xác định rõ thứ tự ưu tiên về công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.