Tháng cuối năm trên đất mũi Cà Mau

Vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Cụm khí - điện - đạm Cà Mau là dự án trọng điểm của Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đất Cà Mau nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Quá trình triển khai dự án chủ đầu tư, các nhà thầu phải vượt qua hàng loạt khó khăn, do cơ sở hạ tầng yếu kém, phải xử lý nền móng trên nền đất yếu sình lầy; các loại vật tư, vật liệu xây dựng nhà máy phải vận chuyển từ các tỉnh xa hàng trăm km về thông qua hệ thống giao thông đường thủy là chính, cộng với thời tiết không thuận, mùa mưa kéo dài, cùng với ảnh hưởng các cơn bão số 6, số 10 làm chậm tiến độ, điều kiện sinh hoạt, ăn ở khó khăn...

Dự án đường ống dẫn khí trên biển và trên đất liền do Vietsovpetro làm tổng thầu gồm 298 km trên biển, nối từ mỏ khí ở vùng chồng lấn Maylaysia đến điểm tiếp bờ cộng với 27 km đường ống trên đất liền và ba trạm tiếp bờ, trạm van ngắt tuyến và trạm phân phối với công suất vận chuyển khí 2 tỷ m3/năm. Tổng giá trị gói thầu là 245 triệu USD.

Kỹ sư Trần Trọng Sơn, người điều hành công trường xây dựng tuyến ống trên bờ, cho biết: Ðến nay, phần đường ống rải trên biển đã thi công xong, đang tiến hành một số công việc kỹ thuật như súc rửa đường ống, bơm khí ni-tơ. Phần thi công 27 km trên bờ phức tạp hơn, do đặc điểm của vùng U Minh Hạ giao thông đường bộ gần như chưa có, toàn bộ vật tư thi công muốn đưa vào phải đào sông làm bãi tập kết, làm đường đưa phương tiện thi công vận chuyển vật tư. Một kỹ sư của nhà thầu kể lại, ngày đi mở tuyến đặt đường ống phải băng qua vùng sình lầy rất vất vả, đến khi thi công, những người thợ xây lắp phải  vượt qua môi trường khắc nghiệt. Sau một ngày làm việc căng thẳng, tối ăn cơm phải ngồi trong màn vì không chịu nổi muỗi đốt. Khó khăn không làm chùn bước người thợ, họ đã vượt qua thử thách từng ngày nối dài tuyến đường ống  xuyên qua hai lâm trường và hai xã Khánh An và Khánh Bình của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, vượt qua nhiều kênh rạch chằng chịt.

Anh Vũ Ðức Liềm, Ðội phó thi công đường ống thuộc nhà thầu là Công ty lắp máy và xây dựng 18 đảm nhiệm thi công 11,5 km từ trạm van ngắt tuyến đến trạm phân phối khí, cho biết: Ðể bảo đảm tiến độ và thời gian, đơn vị tổ chức lực lượng thi công liên tục cho 200 công nhân tính toán tập kết vật tư đầy đủ trước thời điểm vào mùa khô phải đóng cống ngăn mặn, bảo đảm đúng quy trình, quy phạm đề ra.

Trên công trường xây dựng Nhà máy điện Cà Mau 1, kỹ sư Ðỗ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc dự án đồng thời là Giám đốc công trường, cho biết: Theo kế hoạch của LILAMA, ngày 24-3-2007 sẽ được ấn định là ngày phát điện chu trình hở, từ tháng 3 đến cuối năm 2007 hoàn thiện chu trình hỗn hợp. Ðể bảo đảm thời gian phát điện, LILAMA đang tập trung cao độ lực lượng thi công. Ðến nay, tua-bin khí nặng 310 tấn đã lắp đặt vào bệ máy an toàn, chính xác tuyệt đối. Các hạng mục khác được triển khai đồng bộ như xây dựng trạm biến thế, xây dựng trạm cấp khí. Trong cuộc chạy đua về tiến độ và thời gian từ tháng 10-2006, các đơn vị thi công của LILAMA đều tổ chức làm ba ca trong những ngày cuối năm, tổ chức thi công quyết liệt bù đắp phần khối lượng công việc chậm do thời tiết, phấn đấu đến tháng 1-2007 bắt đầu nghiệm thu nhà máy.

Vươn lên làm tổng thầu

Trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, Tổng công ty lắp máy Việt Nam được biết đến như một tập đoàn lắp máy nổi tiếng. Dấu chân người thợ LILAMA đã in trên nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước. Hiện nay, ở nhiều công trình xây dựng phức tạp, tổng công ty đã vươn lên vai trò làm chủ dự án theo phương thức tổng thầu, chìa khóa trao tay. Các nhà thầu nước ngoài trước đây làm tổng thầu nay chuyển xuống vị trí nhà thầu phụ, dự án điện Cà Mau là một minh chứng sống động cho sự trưởng thành, vươn lên của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân Việt Nam. Ðể công việc chế tạo thiết bị, xây lắp Nhà máy điện Cà Mau được tiến hành đồng bộ, bảo đảm tiến độ, LILAMA đã tăng cường vai trò chỉ huy điều hành các nhà thầu phụ nước ngoài như Vinci (Pháp), Siemens (Ðức), Torisima (Hồng Công), lên kế hoạch để bảo đảm tiến độ. Tổ chức các đoàn chuyên gia sang các nhà máy chế tạo thiết bị  kiểm tra trong khi chế tạo, nghiệm thu tại nơi sản xuất ở nước ngoài. Tổ chức nhập khẩu và vận chuyển tới chân công trình an toàn với sự giám sát của các bên. Với tổng mức đầu tư 436 triệu USD, Nhà máy điện Cà Mau 1 được lắp đặt tua-bin khí chu trình hỗn hợp 2 - 2 - 1 thuộc thế hệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay do hãng Siemens chế tạo.

Trên công trường lắp đặt tua-bin nhà máy điện, anh Phạm Hồng Thái, thợ lắp máy bậc 7/7, Tổ trưởng lắp tua-bin thuộc Công ty lắp máy và xây dựng 45-1 (LILAMA), cho biết: Việc lắp đặt tua-bin khí nặng 310 tấn vào bệ máy đòi hỏi độ chính xác rất cao với dung sai chỉ cho phép 0,02%. Ðể bảo đảm chính xác, trong quá trình lắp đặt, những người thợ lắp máy đã phát huy sáng kiến dùng hai cẩu trục đưa tua-bin vào vị trí an toàn, các công việc đấu nối hệ thống vận hành đồng bộ chu trình đơn được thực hiện thành công, tiếp đến căn chỉnh, vận hành chu trình hỗn hợp vào cuối năm 2007.

Kỹ sư, công nhân của Công ty liên doanh Vietsovpetro lại có niềm tự hào riêng vì ngày mới thành lập  nhiều công việc xây lắp kỹ thuật cao phải thuê chuyên gia nước ngoài, đến nay đã tự vươn lên làm tổng thầu dự án xây lắp đường ống dẫn khí đi qua nhiều địa hình phức tạp với tổng chiều dài hơn 300 km. Ðây là bước tiến mới của doanh nghiệp, đồng thời cũng đánh dấu sự học hỏi vươn lên của đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam. Công trình xây dựng đường ống dẫn khí và xây dựng hai nhà máy điện với giá trị xây lắp, mua sắm thiết bị vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD đều do doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm. Riêng về dự án  xây dựng nhà máy đạm công suất 800 nghìn tấn/năm tháng 8-2006 Chính phủ đã quyết định không thay đổi địa điểm, đã phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế cuối tháng 10 vừa qua.  Theo kế hoạch, tháng 6-2007 ký hợp đồng tổng thầu (EPC), dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2010. Cùng với đầu tư xây dựng các nhà máy, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam còn đầu tư làm đường từ TP Cà Mau về cụm khí - điện - đạm với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng, sẽ hoàn thành tháng 12-2007.

      PHAN HÙNG, NGỌC QUÂN