Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội

NDO -

Nhấn mạnh phòng, chống bạo lực gia đình là vấn đề liên quan nhiều cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần phải làm rõ trách nhiệm của toàn xã hội nói chung đối với vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận tổ chiều 31/5. (Ảnh: NGUYÊN LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận tổ chiều 31/5. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Phòng phải đi trước chống

Phát biểu tại thảo luận tổ chiều 31/5 liên quan dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình xây dựng dự thảo Luật, với chất lượng dự án luật lần này được nâng cao so với bản dự thảo trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó.

Góp ý vào dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vấn đề lớn mà dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa đó là quan hệ giữa phòng và chống bạo lực gia đình.

“Phòng bao giờ cũng phải là cái cơ bản, cái đi trước, chống là phải cương quyết, nhưng dự án Luật mới cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về chống chứ chưa thỏa mãn về các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, khi mới chủ yếu tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để các chủ thể “không dám” và “không thể” gây ra các hành vi bạo lực gia đình, việc cần thiết là phải hoàn thiện các hệ thống pháp luật về gia đình và về các đối tượng liên quan này.

“Không dám tức là luật pháp phải chặt chẽ, còn không thể nghĩa là chế tài phải nghiêm. Cho nên dự án Luật cần phải làm rõ hơn nữa về các giải pháp liên quan phòng ngừa và quan hệ giữa phòng và chống bạo lực gia đình”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị.

Nhấn mạnh gia đình là 1 tế bào của xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình vẫn chưa được thể hiện rõ trong dự án Luật, trong khi Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các hội bảo vệ quyền lợi bà mẹ, trẻ em… đều có vai trò liên quan trong công tác này.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu cần thiết phải phát huy vai trò của toàn xã hội nói chung trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chứ không chỉ tập trung riêng vấn đề xã hội hóa nguồn lực trong lĩnh vực này.

Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội -0
Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại Tổ 12 chiều 31/5. (Ảnh: LINH KHOA) 

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong phòng, chống bạo lực gia đình

Trước tình trạng bạo lực gia đình diễn biễn phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng chủ yếu đều do cơ quan thông tấn báo chí phát hiện ra, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các thiết chế trong hệ thống chính trị ở đây như thế nào, nhất là cơ quan chịu trách nhiệm chính quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình xử lý các hành vi bạo lực gia đình, có vụ việc các cơ quan liên quan đều cùng tham gia, nhưng có những vụ việc chỉ do báo chí phát hiện, dư luận phản ánh, rồi các cơ quan quản lý lại lúng túng trong xác định trách nhiệm xử lý.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội kiến nghị phải cải thiện hiệu quả phối hợp trong phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó cần nghiên cứu từ thực tiễn sinh động từ cơ sở, địa phương để xây dựng các chính sách pháp luật bảo đảm tính khả thi.

Đánh giá về các hành vi bạo lực gia đình được quy định trong dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc nhận diện hành vi này đã tiến bộ rất nhiều so với dự thảo trình Quốc hội trước đây, và cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các quy định này.

Yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, để nhận dạng đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1, Điều 4 của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, cùng đóng góp, kiến nghị để hoàn thiện dự án Luật trước khi Quốc hội thông qua ở kỳ họp cuối năm nay, góp phần tạo ra bước chuyển biến thực sự trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội -0
Đại biểu Nguyễn Danh Tú phát biểu. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Đóng góp ý kiến tại thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về quy định liên quan người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình, bởi nội dung này trong dự án Luật rất dễ dẫn đến tình trạng có thể đưa chính nạn nhân thành người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình.

Để dự án Luật sớm đi vào thực tiễn, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) cho rằng, công tác thông tin tuyên truyền rất quan trọng, trong đó cần thiết phải có sự phối hợp giữa các vùng, miền trong tuyên truyền để các chính sách đến gần sát người dân hơn nữa.

Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội -0

Đại biểu Lý Anh Thư. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Ngoài ra, theo đại biểu, rất cần có sự bảo vệ người tố giác hành vi bạo lực gia đình, vì bản thân người bị bạo lực thường có tâm lý ngại nói ra, ngại báo với các cơ quan liên quan ở địa phương, trong khi người đi tố giác cũng thường ngại mang phiền phức, nên rất cần hỗ trợ cho các đối tượng này để tố giác các hành vi bạo lực gia đình.

Đồng tình với kiến nghị trên, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nêu quan điểm, hiện biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực mới chủ yếu dành cho người lớn, chưa tập trung nhiều vào trẻ em.

Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội -0
 Đại biểu Trần Thị Vân. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung thêm các biện pháp bảo vệ cho đối tượng này, tập trung vào vấn đề nhạy cảm giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, để làm sao bảo đảm sự phát triển tốt nhất cho trẻ, quan tâm đến hỗ trợ trẻ bị bạo lực không bị gián đoạn việc học khi điều trị các tổn thương do bạo lực, hay trong khi theo mẹ đi tạm lánh, bên cạnh việc quan tâm bảo vệ thông tin trẻ em bị bạo lực để giúp trẻ hòa nhập cộng đồng mà không bị kỳ thị.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV