Sau nhiều nhiệm kỳ triển khai, các cấp ủy đã có nhiều sáng tạo và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, quy mô, vai trò, vị trí của các tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Bài 1: Kết quả chưa tương xứng
Các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước góp phần quan trọng huy động nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Lực lượng lao động trực tiếp trong khu vực kinh tế này rất lớn, tuy nhiên, thu hút công nhân tham gia hoạt động đoàn thể, bồi dưỡng kết nạp Đảng tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ vẫn là “đề bài” khó.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, qua nhiều nhiệm kỳ, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã và đang phát triển với quy mô và phạm vi ngày càng mở rộng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng lao động trong các doanh nghiệp khu vực này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các thành phần kinh tế.
Còn hạn chế, vướng mắc
Từ khi thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đến Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, đã ghi nhận sự nỗ lực và kết quả tích cực với nhiều cách làm sáng tạo của các cấp ủy, tuy nhiên số lượng và quy mô chưa tương xứng.
Qua trao đổi với một số cấp ủy viên, các ý kiến cho rằng, có rất nhiều tác động. Trong đó yếu tố khách quan là phần lớn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định, lao động biến động thường xuyên, thu nhập của người lao động thấp. Mặt khác, công tác xây dựng đảng trong các doanh nghiệp khu vực này là việc khó, nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ.
Yếu tố chủ quan là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, người lao động, chủ doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp chưa đầy đủ, có lúc, có nơi thiếu thống nhất; thậm chí có một số chủ doanh nghiệp không ủng hộ việc thành lập và chưa tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa chủ động, quyết liệt, thiếu các giải pháp đột phá, phương pháp thực hiện chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; có tư tưởng ngại khó, thiếu kiên trì. Một số nơi chưa tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế tư nhân…
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn đối với hơn 2.500 công nhân thuộc 294 doanh nghiệp trên cả nước, có hơn 69% số công nhân đã có nhận thức tương đối đầy đủ về vị trí, vai trò của mình đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhưng có không ít người tỏ ra “lạ lẫm, mơ hồ” với các khái niệm giai cấp, trách nhiệm xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể bởi sự chi phối của nỗi lo trước mắt như: việc làm, thu nhập, đời sống.
Công nhân lao động đến từ các vùng nông thôn, có trình độ văn hóa khó đáp ứng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét kết nạp Đảng, khi về thành phố làm việc, thiếu nơi ở ổn định cũng gây khó cho quá trình xác minh lý lịch. Trong môi trường làm việc có nhiều sức ép về thời gian, cường độ, nhu cầu tăng ca, việc dành thời gian tìm hiểu về các tổ chức đảng, đoàn thể, tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp đảng viên mới đối với họ là việc không dễ thu xếp nếu không nhận được sự tạo điều kiện từ giới chủ...
Phân tích một số hạn chế, vướng mắc từ thực tế, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của các cấp công đoàn ở một số nơi chưa phát huy triệt để. Mô hình tổ chức có nơi không thống nhất, nhiều đầu mối quản lý, ít nhiều gây khó khăn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức sinh hoạt của đảng viên. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Tác động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng quyết liệt làm cho việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động ngày càng phức tạp hơn, thậm chí có giới chủ, người sử dụng lao động và đại diện của họ không muốn thành lập, đôi khi còn tác động làm giảm uy tín của tổ chức đảng, đoàn thể...
Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, giai đoạn 2011 - 2020, cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% số lao động của tất cả các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh; đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký tăng gần 6,9%/năm, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong khi đó, kết quả công tác phát triển đảng trong các loại hình doanh nghiệp này lại ở mức khiêm tốn. Theo Ban Tổ chức Trung ương, tính đến hết năm 2020, cả nước có 3.276 tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chiếm 1,9% tổng số tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 868 đảng bộ cơ sở, 2.478 chi bộ cơ sở. Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế này có tổ chức đảng là rất thấp, trong doanh nghiệp tư nhân mới đạt 0,86%; trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,94%; chưa đến 1% tổng số lao động là đảng viên; phần lớn tổ chức đảng là chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, số lượng đảng viên ít...
Chưa ngang tầm nhiệm vụ
Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có dưới 50% vốn nhà nước, được Ban Bí thư quy định tại các Quy định 170 và 171 (khóa XI), và Quy định 288 (khóa IX) cơ bản tương đồng. Theo đó, tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người quản lý doanh nghiệp và người lao động chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp (nhà đầu tư) và người lao động. Như vậy, bảo đảm hài hòa lợi ích có tính quyết định vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, với quy mô, số lượng đảng viên như hiện nay việc thực hiện còn hạn chế, chưa kể nội dung, phương thức hoạt động, nhất là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh còn bất cập dẫn đến vai trò tổ chức đảng còn mờ nhạt, chưa ngang tầm nhiệm vụ.
Giữ vai trò đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như cả nước, thành phố Hồ Chí Minh thu hút đầu tư rất lớn. Số lượng doanh nghiệp tăng rất nhanh, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân và FDI. Tính đến hết năm 2019, toàn thành phố có hơn 199 nghìn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, tăng 2,08 lần so năm 2010, trong đó số doanh nghiệp FDI là 4.876, tăng 2,4 lần. Xác định nhiệm vụ phát triển đảng trong các doanh nghiệp khu vực này là cấp thiết, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, giai đoạn 2010 - 2020, bình quân mỗi năm, các cấp ủy trực thuộc đã thành lập mới hơn 90 tổ chức đảng, và kết nạp hơn 1.200 đảng viên. Tính đến cuối năm 2020, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh có 1.721 tổ chức đảng, với hơn 27.700 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trong đó có 206 tổ chức đảng với gần 3.000 đảng viên trong các doanh nghiệp FDI.
Những con số nêu trên thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhưng hiệu quả, vai trò của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần được quan tâm. Tổng kết thực tiễn, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn đánh giá, kết quả công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp FDI có nhiều cố gắng nhưng chưa tương xứng sự phát triển của doanh nghiệp. Tình hình tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công vẫn diễn ra. Nhiều cấp ủy cho rằng, phụ thuộc phần lớn yếu tố năng lực, trách nhiệm của cấp ủy được giao nhiệm vụ.
Khi năng lực hạn chế, việc cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình hành động chung chung; một bộ phận đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp chưa thể hiện vai trò tiền phong, gương mẫu, chưa tạo ảnh hưởng tích cực, thì việc đối thoại, thuyết phục chủ doanh nghiệp vẫn là việc khó… Chất lượng không cao thì vai trò khó mạnh, nhất là các tổ chức đảng, bí thư, phó bí thư không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Tổ chức đảng không thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị sẽ khó có “tiếng nói chung” với chủ doanh nghiệp để tạo động lực phát triển đảng.
Các quy định của Trung ương đã chỉ rõ, cấp ủy xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với người quản lý doanh nghiệp trên nguyên tắc hợp tác, đồng thuận để tổ chức đảng tham gia xây dựng, phát triển doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng và Luật Doanh nghiệp.
Cấp ủy chủ động trao đổi với người quản lý doanh nghiệp những đề xuất, kiến nghị hợp lý của tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức chính trị-xã hội và người lao động về thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; thỏa ước lao động tập thể; hợp đồng lao động; các chế độ, chính sách đối với người lao động và đề xuất biện pháp phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy định được đề ra trên tinh thần động viên, khuyến khích hai bên chủ động, tham gia, phối hợp mà chưa có bắt buộc. Do đó khi cấp ủy thiếu chủ động, chủ doanh nghiệp thiếu hợp tác, thì việc lập quy chế phối hợp giữa hai bên hầu như không diễn ra. Điều đó đồng nghĩa với việc các tổ chức đảng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp còn gặp khó.
TIỂU PHƯƠNG và ĐẶNG THANH HÀ
(Còn nữa)