Người cao tuổi Việt Nam luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm lớn lao trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc

NDO -

Chiều 22/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, các cấp Hội chủ động tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ đối với người cao tuổi; nhiều địa phương đã có các quy định cụ thể hỗ trợ người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi không có lương hưu, bảo hiểm xã hội. Phối hợp chính quyền đồng cấp tổ chức chúc thọ, mừng thọ theo quy định của pháp luật. Quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nguồn lực góp phần hỗ trợ xóa nhà tạm, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ tiền, vật phẩm thiết yếu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; giúp người cao tuổi vùng bị thiên tai khắc phục khó khăn, ổn định đời sống. 

Công tác phát huy vai trò người cao tuổi được đẩy mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội phát động phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao-Gương sáng”, động viên hội viên và người cao tuổi cả nước tích cực tham gia phát triển kinh tế.

Hiện cả nước có hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh trong đó có 100.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; gần 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi. Nhiều người cao tuổi có điều kiện đã tiếp tục tham gia quản lý, giảng dạy ở các trường tư thục mầm non, phổ thông, đại học; nhiều người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân văn hóa vẫn hăng say nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, góp phần vào sự phát triển của đất nước. 

Phát huy vai trò người cao tuổi trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp nhất là ở cấp cơ sở. Hiện cả nước có 656.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở, có hơn 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở. 

Tham mưu xây dựng pháp luật, chính sách liên quan Hội Người cao tuổi và người cao tuổi Việt Nam. Các cấp Hội đã tích cực phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; tổng kết thực hiện Kết luận số 102/CT-TW của Ban Bí thư về công tác Hội quần chúng và triển khai Thông báo số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102/CT-TW; kiến nghị ban hành Luật về Hội, công tác tổ chức Hội, các chính sách, chế độ đối với người cao tuổi. Hội cũng đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; thông qua đó đã kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước những vấn đề người cao tuổi quan tâm, những đề xuất kiến nghị của cử tri người cao tuổi...

Người cao tuổi Việt Nam luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm lớn lao trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc -0
 Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ 6. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới tập thể Ban Thường vụ Trung ương Hội, toàn thể các hội viên lời chào, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Thủ tướng nêu rõ, "kính lão đắc thọ" là truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ ngàn xưa, thể hiện luôn kính trọng người cao tuổi. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ đều coi trọng công tác người cao tuổi. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm và đề cao vai trò của người cao tuổi. Thủ tướng khẳng định, người cao tuổi Việt Nam luôn thể hiện được vai trò, trách nhiệm lớn lao trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người cao tuổi. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ; nêu rõ, cuộc làm việc này một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Chính phủ với người cao tuổi, nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với người cao tuổi, giải quyết một số cơ chế, chính sách với mong muốn người cao tuổi ngày càng có nhiều đóng góp ý nghĩa với sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước, của nhân dân.

Thủ tướng khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước năm qua có sự đóng góp của Hội Người cao tuổi Việt Nam và người cao tuổi trên cả nước. Hiện trên cả nước vẫn có hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, trong đó có gần 100.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; gần 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi. Vai trò của người cao tuổi được phát huy trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chính sách bảo vệ, giúp đỡ và chăm lo người cao tuổi. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa". Nghị quyết cũng yêu cầu phát huy lợi thế dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số.

Chia sẻ với những khó khăn của Hội, Thủ tướng đề nghị cần tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức. Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình đất nước có thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, do đó chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, chia sẻ với đất nước. Điều này một mặt cho thấy những thành tựu phát triển của Việt Nam khi đời sống, tuổi thọ của người dân ngày càng được nâng cao, mặt khác đòi hỏi phải có chủ trương, cơ chế, chính sách, sự chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi, giải quyết, xử lý hài hòa giữa mặt thuận và mặt không thuận của xu thế già hóa dân số.   

Thủ tướng yêu cầu, Hội phải đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tổ chức vững mạnh; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ và phát huy vai trò, những mặt tích cực của người cao tuổi; tích cực tham gia tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy đảng, chính quyền cùng các bộ, ngành, Hội cùng phối hợp chặt chẽ để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội lần thứ VI của Hội Người cao tuổi Việt Nam để người cao tuổi tham gia tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động và đóng góp của người cao tuổi; phải có cơ chế, chính sách để giải tỏa nguồn lực này.

Thủ tướng yêu cầu cần coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động, công tác người cao tuổi và đóng góp của người cao tuổi. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của Hội và bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi.

Chính sách bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi phải có tính khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn. Tham khảo các kinh nghiệm hay, bài học quý của quốc tế, đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về người cao tuổi. Nghiên cứu đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực, tổ chức các hoạt động với người cao tuổi phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và mong muốn của người dân, người cao tuổi. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội Người cao tuổi - một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các bộ, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi.

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hội Người cao tuổi Việt Nam, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan nghiên cứu, triển khai thực hiện, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp theo quy định.