Hội thảo khoa học “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại”

NDO -

Ngày 31/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Tuyên Quang phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại”. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo; dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quân khu 2 và các tỉnh lân cận...

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm tiếp tục bổ sung tư liệu, khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời, khẳng định vai trò lịch sử của Tuyên Quang - nơi đặt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, thể hiện ý chí và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc, cũng như quá trình Tuyên Quang phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong công cuộc đổi mới hiện nay. 

Tại hội thảo, các đại biểu và các nhà khoa học đã tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu về tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến. Ngày 2/4/1947, Người trở lại Tuyên Quang. Một lần nữa Tuyên Quang đi vào lịch sử khi trở thành “Thủ đô kháng chiến” của dân tộc.

Lựa chọn quay trở lại Tuyên Quang của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược, bởi Tuyên Quang là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành căn cứ đầu não cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đây là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân Tuyên Quang đã cùng nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và lãnh thô của đất nước, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Hội thảo khoa học “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại” -0
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (2/4/1947-2/4/2022). Là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những cống hiến vĩ đại của Người cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. 

Hành trình lịch sử từ Tân Trào về Hà Nội năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó là hành trình của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến mở ra hành trình đưa kháng chiến đến thắng lợi, đã để lại nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Bài học về lựa chọn địa bàn đứng chân, xây dựng căn cứ địa cách mạng, bảo đảm các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa trong đó lấy dân là gốc để đưa cách mạng đến thắng lợi. Bài học về phát huy chủ nghĩa yêu nước. Bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xứng danh đảng cầm quyền, lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, được dẫn đường bởi một tư tưởng cách mạng và khoa học, bởi đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ.

Hội thảo khoa học “Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại” -0
Các đồng chí chủ trì hội thảo.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, chúng ta càng có thêm niềm tự hào, ý chí, quyết tâm mới, vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.