Kỷ niệm 55 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu tiên tại Quy Kỳ, Định Hóa

Gặp gỡ ở Quy Kỳ

Đoàn cán bộ lão thành Báo Nhân Dân về thăm nơi ra đời Báo Nhân Dân (Quy Kỳ) ngày 25-2-2006.
Đoàn cán bộ lão thành Báo Nhân Dân về thăm nơi ra đời Báo Nhân Dân (Quy Kỳ) ngày 25-2-2006.

Về nơi sinh thành báo Đảng

55 năm đã trôi qua kể từ khi Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân ) xuất bản số đầu tiên ở Nhà in Lê Hồng Phong tại bản Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa), chúng tôi lại có dịp cùng với các nhà báo cao tuổi của Báo Nhân Dân về thăm lại địa điểm ghi dấu sự kiện quan trọng này.

Ông Nguyễn Hồng Liêm, năm nay đã 84 tuổi xúc động không cầm được nước mắt khi gặp lại ông Phan Văn Tần ở bản Khuôn Nhà năm nay cũng đã ngót 70 tuổi, người đã rất quen với ông khi Báo Sự Thật còn ở tại đây. Câu chuyện của hai ông già đưa mọi người trở lại thời điểm trước đây nhiều năm, giữa núi rừng Việt Bắc hùng vĩ.

Thời đó, Tòa soạn Báo Sự Thật được đặt tại bản Khuôn Nhà, ông Nguyễn Hồng Liêm lúc đó công tác tại Ban Giao thông của Báo Sự thật , hằng ngày ông và một số anh em khác thường vào nhà in gánh báo ra để rồi phân phát cho người mang đi giao cho các khu 1, 2, 4 và khu 10. Công việc làm báo thời kỳ giữa năm 1947 đến 1951 ở đây vất vả không kể xiết, các nhà báo như : Thép Mới, Lê Bình… và nhiều nhà báo lão thành khác hằng ngày nhiều lần phải luồn qua rừng già, vượt suối đến Nhà in Lê Hồng Phong cách đó một quãng đường khá xa để sửa bản in. Lúc đó công nghệ in còn rất thô sơ, sắp chữ vẫn làm bằng tay nên công việc lại càng vất vả. Thế rồi, số báo đầu tiên đã được ra đời đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử báo Đảng, trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tiếp đó hai cuốn sách quý là: “Sửa đổi lối làm việc” của X.Y.Z (bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và cuốn “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh, lúc đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng được in, xuất bản phát hành cùng với Báo Nhân Dân tại đây.

Trong những ngày tháng đầy khó khăn vất vả ấy, bà con dân bản Khuôn Nhà rồi cả xã Quy Kỳ xa lắc này luôn kề vai sát cánh, hết lòng chăm sóc, bảo vệ an toàn cho Ban Trị sự Báo Sự Thật và nhà in. Đến nay đã qua hơn 55 năm, cảnh vật đã đổi thay nhiều nhưng tấm lòng và cả niềm tự hào của người dân nơi đây vẫn sâu đậm và mộc mạc như xưa; và, ngoài cái tên Khuôn Nhà còn có một tên gọi đầy ý nghĩa nữa đó là xóm Sự Thật. Từ đây, tất cả các thông tin chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ; những tin tức bài báo thời sự được phát đi cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu, một niềm vui nữa với những người làm báo Đảng Nhân Dân và xã Quy Kỳ là di tích nơi Báo Nhân Dân ra đời vừa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Câu chuyện giữa những người làm báo Đảng và cán bộ xã

Trong câu chuyện của chúng tôi-những người làm báo Đảng với lãnh đạo xã trước thềm ngày kỷ niệm 55 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu thật ý nhị và sâu sắc. Bà Hoàng Thị Chấm, Bí thư Đảng ủy xã, nói: Cũng hiếm có một cơ quan nào suốt trong mấy chục năm qua giữa “sáng đèn” vẫn còn nhớ “mảnh trăng giữa rừng” như những người làm báo Đảng. Cơ quan báo lo việc tuyên truyền, cổ vũ phong trào cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cũng nghèo, cũng vất vả, thiếu thốn. Nhưng với nơi sinh thành thì chan chứa tình cảm, trách nhiệm. Từ những thế hệ làm báo trước đây như anh Lê Bình, Trần Quỳnh (Báo Nhân Dân), anh Hồng Dương, Lê Quang Dực (Báo Thái Nguyên) thường xuyên chia sẻ, săn sóc nơi nguồn cội của mình. Cái lớp học Báo Nhân Dân xây cho bản Khuôn Nhà không to lớn nhưng chắc chắn, xinh xắn. Hơn chục bộ bàn ghế, Báo Thái Nguyên tặng cho lớp học từ 19-5-1999 đến nay vẫn chắc nịch, bóng loáng mầu gỗ tốt. Sinh nhật Báo Nhân Dân , năm nào các anh cũng về, không ồn ào nhưng bài học mà các anh lãnh đạo giảng cho lớp phóng viên trẻ luôn là giữ đạo trước, sau; lời góp ý cho xã, cho dân cũng chân thành, cởi mở như người nhà. Thế hệ cán bộ xã hôm nay nghĩ về điều đó trong niềm vui của sự tự hào; như một động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách của một địa phương không có tiềm lực để phát triển kinh tế nhưng vẫn cần kiệm từng ngày vì bát cơm, manh áo nhân dân.

Bà Hoàng Thị Chấm có một đề nghị mà ông Phan Hữu Minh, Tổng biên tập Báo Thái Nguyên, tâm đắc và đồng tình. Bà Chấm đề nghị để thắt chặt hơn nữa tình cảm những người làm báo Đảng với địa phương, Báo Nhân Dân đã cho Đoàn thanh niên được kết nghĩa với Đoàn thanh niên xã thì Đảng bộ xã cũng được kết nghĩa với Đảng bộ Báo Thái Nguyên . Ông Hữu Minh còn nhấn mạnh: Kết nghĩa với Đảng bộ Quy Kỳ, những người làm báo Đảng Thái Nguyên còn có thêm một trường học lớn đó là trường học của thực tế cuộc sống luôn sôi động mà những người làm báo lúc nào cũng cần có…

Bà Hoàng Thị Chấm, Bí Thư Đảng ủy xã Quy Kỳ, cho biết: Trước đây người dân ở Quy Kỳ vất vả lắm, số hộ đói nghèo luôn ở mức cao, sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện theo lối cũ nên kinh tế rất khó khăn; đường giao thông đi lại thì cực kỳ vất vả, vào những lúc trời mưa khó có thể đi tới được các xóm; mạng lưới y tế còn mỏng nên sức khỏe của bà con, nhất là trẻ em chưa được chăm sóc đến nơi đến chốn.

Đến nay, Quy Kỳ đã có tuyến đường chính nối liền với trung tâm huyện, các vùng thuộc ATK Định Hóa và các xã khác đã được trải nhựa thuận lợi cho giao thông; điện lưới quốc gia đã có tại địa phương và đến cuối năm nay, xóm cuối cùng của xã là Đăng Mò cũng sẽ có điện lưới để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao nhưng trong xã đã không còn hộ đói. Chất lượng trong công tác giáo dục ở đây cũng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh tiểu học lên lớp đạt 99,6%.

THẾ HÀ