Theo đó, kết quả thành công của chuyến thăm, thể hiện sinh động trên nhiều lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, tạo những “điểm nhấn” rõ nét trong ngoại giao vaccine, ngoại giao nhân dân và triển khai tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn.
Phóng viên: Xin ông cho biết đánh giá về kết quả chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị là người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam; đồng thời là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đến hai nước đối tác chiến lược kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổng thể các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhằm triển khai chiến lược đối ngoại, chính sách đối ngoại đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, từ đó góp phần tạo thế và lực mới để chúng ta phát triển kinh tế, xã hội, phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Hàn Quốc và Ấn Độ là hai đối tác chiến lược quan trọng của nước ta. Trong đó, với Hàn Quốc, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đang tích cực chuẩn bị cho việc nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 2022). Hàn Quốc có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới. Đây là đối tác đầu tư số 1, đối tác ODA, đối tác thương mại thứ 2 và thứ 3 của nước ta.
Với Ấn Độ, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được 5 năm và đạt được nhiều kết quả tích cực trong hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua. Cả Hàn Quốc và Ấn Độ đều có những thế mạnh mà Việt Nam đang cần để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, nhất là hợp tác để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Có thể nói rằng, chuyến thăm với các hoạt động phong phú, nhiều cấp độ, trao đổi thực chất và đã thành công tốt đẹp, đạt kết quả toàn diện về chính trị, đối ngoại, ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao vaccine, đối ngoại đảng, ngoại giao nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Ấn Độ.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cụ thể những kết quả nổi bật theo lịch trình hoạt động dày đặc vừa qua của Chủ tịch Quốc hội tại hai nước?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp với biến chủng mới Omicron, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vẫn quyết tâm thăm chính thức Hàn Quốc và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug cũng quyết tâm đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mặc dù Hội nghị APPF đã được bạn quyết định tổ chức theo hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp như kế hoạch.
Trong 3 ngày thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Park Byeong Seug và Quốc hội Hàn Quốc đã dành cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thị, chân tình với các nghi thức lễ tân cao nhất cùng với các ngoại lệ.
Hai Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc hội đàm kéo dài, trao đổi cởi mở với sự tin cậy cao; nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng cán cân thương mại, trong đó có tạo điều kiện cho hàng nông, thủy, hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, nhất là vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, phát triển đô thị thông minh và các ngành công nghiệp tương lai, nông nghiệp và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị y tế phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch, nâng cao năng lực y tế; hỗ trợ Việt Nam dự án xây dựng Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Việt Nam.
Bạn cũng tiếp tục thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực là thế mạnh của Hàn Quốc, như: ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, bảo hiểm y tế, du lịch y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, đào tạo nguồn nhân lực y tế.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm và nhất trí hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm; tiếp tục tài trợ và hỗ trợ triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, từng bước khôi phục khai thác đường bay thẳng giữa hai nước sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hai Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí tạo điều kiện để giới thiệu nhiều hơn về văn hóa, đất nước con người Việt Nam tại Hàn Quốc; tổ chức nhiều hoạt động hai chiều quảng bá văn hóa, nghệ thuật hai nước; hợp tác xúc tiến các hoạt động phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, quảng bá về du lịch an toàn, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại cho khách du lịch hai nước.
Thông qua chuyến thăm đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, đặc biệt là Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam được thụ hưởng các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi tốt nhất.
Đây cũng là hiệp định đầu tiên về bảo hiểm xã hội mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng có nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược của quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đều ủng hộ tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong năm tới.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đánh giá rất cao việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đáp ứng tích cực đề nghị của Quốc hội Hàn Quốc trong việc kết nối với Quốc hội Triều Tiên để có thể tiến hành đối thoại liên Triều trên kênh nghị viện.
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong chuyến thăm Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 15 đến 19/12?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022) và đặc biệt là 5 năm Ngày thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vào năm 2021.
Bạn cho rằng, chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, là dịp để lãnh đạo hai bên trao đổi các biện pháp nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như quốc phòng, an ninh, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số. Đây là những thế mạnh của Ấn Độ mà hai bên sẽ tập trung khai thác, phát triển hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển bền vững, kinh tế xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; sớm mở lại đường bay thẳng giữa hai nước và công nhận hộ chiếu vaccine của nhau nhằm tăng cường giao lưu giữa người dân hai nước; đồng thời, trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, tài nguyên môi trường, tư pháp, tài chính.
Hội kiến với Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, quan hệ hai nước được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, nay ngày càng phát triển chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực trong đó có chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân và gần đây nhất, hai nước đã hỗ trợ nhau kịp thời, hiệu quả trong công tác ứng phó đại dịch Covid-19.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và trên các kênh Đảng, địa phương và giao lưu nghị sĩ hữu nghị, giao lưu nhân dân; tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022.
Đặc biệt, Ấn Độ đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong Chính sách Hành động hướng Đông mới và Chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong các chiến lược của họ vào khu vực Đông Nam Á. Hai bên đều cam kết sẽ đẩy mạnh thúc đẩy đầu tư trong thời gian tới tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Vừa qua, kim ngạch thương mại đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng lãnh đạo hai nước đều khẳng định quyết tâm hướng tới mục tiêu nâng tổng kim ngạch trong thời gian tới lên 15 tỷ USD.
Điểm nhấn trong nhiều hoạt động, đó là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ được tổ chức ở mức độ lớn nhất từ trước tới nay với 250 doanh nghiệp tham gia trực tiếp và 500 doanh nghiệp tham gia trực tuyến; 12 hợp đồng và biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp hai nước đã được ký kết với tổng trị giá hàng tỷ USD.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc gặp với lãnh đạo các chính đảng của Ấn Độ và có cuộc gặp đầy xúc động với lãnh đạo, thành viên các tổ chức hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam. Qua các cuộc gặp đã một lần nữa cho thấy tình cảm thủy chung, trong sáng của nhân dân hai nước, hai dân tộc Việt-Ấn luôn vẹn nguyên và sẽ ngày càng sâu đậm, gắn kết hai đất nước.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhân chuyến thăm hai nước của Chủ tịch Quốc hội lần này?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà: Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc và Ấn Độ chính là sợi dây kết nối đặc biệt giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Trong không khí đầm ấm, thắm tình đồng bào, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Kết luận số 12-KL/TW về công tác này trong tình hình mới luôn dành sự quan tâm đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bà con tại Hàn Quốc và Ấn Độ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn nỗ lực bảo đảm cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi với xã hội sở tại; khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Trong chuyến công tác, các hoạt động diễn đàn doanh nghiệp, kết nối giữa doanh nghiệp hai nước, giữa các tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu Hàn Quốc với các địa phương của Việt Nam diễn ra rất sôi nổi, thể hiện qua 27 thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác, hợp đồng được ký kết ngay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc với trị giá lên đến khoảng 10 tỷ USD. |
Đối với hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện hai nước, cả Ấn Độ và Hàn Quốc đều nhấn mạnh việc cần phải đẩy mạnh quan hệ nghị viện để hỗ trợ một cách tích cực nhất cho quan hệ hai nước. Lãnh đạo Nghị viện hai nước đều mong muốn chúng ta phải xây dựng quan hệ nghị viện trở thành mối quan hệ hình mẫu để góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Ấn Độ, cũng như Đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc. (Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà) |