Chuyện ghi dưới chân núi Hồng Lĩnh

Đảng viên Trần Đình Biêng (ngoài cùng bên trái) nói chuyện truyền thống với phụ nữ địa phương.
Đảng viên Trần Đình Biêng (ngoài cùng bên trái) nói chuyện truyền thống với phụ nữ địa phương.

Hồng Lĩnh là dãy núi đột khởi mọc lên giữa đồng bằng. Núi kéo dài tới 30 km, trải rộng trên địa bàn huyện Can Lộc, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh.

Với Tân Lộc, làng Kim Chùy là đất hiếu học khoa bảng, con người chuyên cần thuần hậu, giàu nét đẹp văn hóa. Làng Ðỉnh Lự lại mang tính cách nguyên thủy của con người dưới chân núi Hồng Lĩnh, đó là tính cách mạnh mẽ giàu khí phách, không biết lùi bước trước khó khăn và kẻ thù. Theo lịch sử đảng bộ huyện, làng Ðỉnh Lự là nơi thành lập chi bộ Ðảng vào đúng ngày 3-2-1930. Và đến tháng 6-1930, chi bộ làng Kim Chùy cũng thành lập. Mỗi chi bộ có năm đảng viên, đều là người quê hương. Từ đó, Ðỉnh Lự cũng là làng đầu tiên trong 170 làng Xô-viết Nghệ Tĩnh của tỉnh. Ðầu thế kỷ trước, dải đất này từng nhen lên ngọn lửa đấu tranh, lan ra toàn huyện khiến Can Lộc trở thành "chảo lửa" trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh.

Tân Lộc vừa qua một mùa bội thu. Như bao vùng quê đất Việt khác, ngày cuối năm, dải đất chân núi Hồng này tích trữ sản vật, chuẩn bị đón dâu, rể tụ về. Năm nay, xã còn tổ chức trọng thể đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND vừa được Ðảng và Nhà nước phong tặng.

Về Tân Lộc chúng tôi gặp các cụ ông Ðào Thiên, Nguyễn Doãn Viết và cụ bà Phan Thị Huệ là nhân chứng của phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, đều là những đảng viên gần 60 năm tuổi đảng. Chúng tôi hỏi mười năm qua, Tân Hồng có điều gì đáng ghi nhận? Các cụ đều cho rằng: Bà con Tân Lộc đã gắn kết thành một khối, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, thực hiện thành công "Ba điều ước" của cộng đồng làng, xã. Người dân còn nhớ, vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, dải đất Tân Lộc bất an. Nhiều vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện phức tạp. Tệ nạn rượu chè trộm cắp, cờ bạc, ly hôn trỗi dậy. Cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực nhưng tình hình không mấy được cải thiện. Ngày ấy "gia đình, làng, xã hòa thuận bình yên" là mong ước của nhiều gia đình, dòng họ vùng quê này.

Nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Trần Ðình Biềng, lúc ấy là Trưởng công an xã, sau bao ngày đêm trăn trở, ông có sáng kiến lập hòm thư tố giác tội phạm để ở mỗi thôn, xóm. Từ đó, hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật được phát hiện. Từ phát hiện của quần chúng, cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện chủ trương mời tộc trưởng của 57 tộc họ trong xã tham gia xây dựng hương ước, ký các nội dung cam kết thực hiện dòng họ an toàn. Chi bộ từng thôn lãnh đạo các tổ chức quần chúng vận động tộc trưởng và các gia đình trong dòng họ giáo dục con cháu. Các biện pháp trên có hiệu quả giáo dục cao. "Dòng họ an toàn", điển hình của phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc của xã Tân Lộc, được Bộ Công an tặng bằng khen sáu năm liền. Từ đây phong trào được nhân rộng ở tỉnh và nhiều địa phương khác.

Người xưa gọi Tân Lộc là đất đầu núi, cuối sông. Con kênh Hồng Tân từ Hồng Lĩnh chảy dọc đất văn hiến làng Kim Chùy bao đời cung cấp nước cho ruộng đồng. Cây đa làng Kim Chùy là nơi bà con treo cờ Ðảng trong cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh. Mái đình Kim Chùy là nơi địch giam giữ hàng trăm chiến sĩ cách mạng, nhằm khủng bố phong trào. Dòng kênh từng nhuốm đỏ máu đảng viên của làng, xã bị địch tàn sát.

Bên thửa ruộng, ông Nguyễn Hào đang mải miết làm ải. Vui chuyện được biết cha ông là một trong 51 chiến sĩ xích vệ đỏ đầu tiên của xã. Khi được hỏi về câu "lên ruộng xuống nương, bán cốt lội sương" của người dân quê ông, bàn tay thô mộc gân guốc nắm chặt tầm điếu cày, ông trầm trầm kể lại: Xưa, ở xã chỉ riêng gia đình địa chủ Nguyễn Thị Bét chiếm tới một phần năm số ruộng "nhất đẳng điền" của làng, xã. Hàng trăm gia đình khác lâm cảnh cày thuê cuốc mướn, cực nhọc sớm khuya để có bát cháo cầm hơi. Cực chẳng đã, nhiều nông dân hiền lành phải bỏ làng tha phương cầu thực, chết đói, chết rét, chết bệnh... Và ước muốn có một đời sống no đủ đã ăn sâu vào tâm khảm bao đời nay của người nông dân Tân Lộc. Ðiều đó lý giải phần nào phong trào đấu tranh giành công điền ở Ðỉnh Lự dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng đã lan nhanh khắp huyện Can Lộc.

"Ôn cố tri tân", bên chiếu trà giữa sân đình kể chuyện làng, xã, bà con cho chúng tôi hay: Một thập kỷ qua, quê hương Tân Lộc như có luồng gió mới, kinh tế liên tục tăng trưởng. Hàng chục công trình phúc lợi xã hội được xây dựng. Hơn 67% số hộ đã thoát nghèo. Gần đây, với việc đưa giống lúa lai vào đồng ruộng, sản lượng lương thực năm 2005 của xã đạt gấp 1,5 lần so với mấy năm trước, Tân Lộc chưa giàu có, nhưng lòng người dân nơi đây lại phơi phới hứng khởi. Với một vùng quê nghèo, khi niềm tin được khẳng định sẽ biến thành sức mạnh vật chất. Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Duy Rộng hào hứng kể: Ví như, ba năm qua người dân trong xã đã huy động gần sáu tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội. Các lãnh đạo xã cho biết: Ðại hội Ðảng bộ xã nhiệm kỳ 2005 - 2010 xác định những giải pháp khả thi nhằm phá thế độc canh cây lúa, phát triển kinh tế trang trại vườn đồi. Tân Lộc đã có cơ chế phát triển và hỗ trợ các hộ chăn nuôi bò lai sind, nạc hóa đàn lợn. Xã chăm lo phát triển các mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, hộ sản xuất thu 50 triệu đồng/năm. Số hộ khá giả tăng nhanh, số hộ nghèo của xã được cộng đồng làng, xã hỗ trợ đang nỗ lực vươn lên.

Ðiều đáng ghi nhận khác ở Tân Lộc là cấp ủy đảng, chính quyền Tân Lộc phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên kết hợp các dòng họ, gia đình giáo dục truyền thống, đạo lý của quê hương cho lớp trẻ. Hơn mười năm qua, nắm bắt ước muốn con cháu sống có đạo lý, học hành thành đạt, Tân Lộc tập trung đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, phát triển con người. Toàn xã với hơn 1.400 hộ dân nhưng có tới ba trường học. Trường tiểu học cùng trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia. Anh Nguyễn Ðình Thắng lật giở cho chúng tôi xem những bản hương ước của 5 thôn, có một nội dung giống nhau là xác định trách nhiệm của gia đình, dòng họ giáo dục truyền thống làng quê. Qua những trang hương ước và nhật ký của thôn, làng, chúng tôi hiểu bà con trân trọng giữ gìn truyền thống cách mạng của làng, xã như thế nào.

Ở Can Lộc, các dòng họ đều có từ đường thờ phụng tổ tiên và là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống của tộc họ. Nhà thờ tộc họ Lê Trọng, với ba gian nhà trên khoảng sân chừng hơn trăm mét vuông. Tộc trưởng là ông Lê Hường đã qua một đời quân ngũ, một thời "đánh giặc và làm thơ". Về quê hương, ông cùng các bậc cao niên xây dựng quy chế sinh hoạt, soạn thảo công tích cũng như những lời giáo huấn của tổ tiên để con cháu tỏ tường. Mỗi khi tộc họ có một đảng viên mới được kết nạp, một người học thành đạt đều về kính báo tiên tổ và bà con dòng họ tại nhà thờ. Năm 2005, từ quỹ khuyến học, tộc họ có 11 cháu học sinh đạt học sinh giỏi các cấp, được tộc họ tổ chức tuyên dương. Tộc họ Lê Trọng với 48 gia đình cùng đạt danh hiệu "gia đình hòa thuận, dòng họ ấm êm".

Với sự tôn vinh, truyền nối nền nếp gia đình, dòng tộc và truyền thống làng, xã, Tân Lộc trở thành vùng quê bình yên lành mạnh, không có tệ nạn xã hội. Hằng năm bình quân có hàng chục con em của Tân Lộc thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng, riêng năm 2005 có 38 em. Trong thời kỳ đổi mới, vùng quê nghèo dưới chân núi Hồng góp cho đất nước hàng trăm trí thức trẻ. Chỉ tính riêng tiến sĩ, giáo sư của xã cũng lên tới vài chục người.

Buổi chiều, từ làng Ðỉnh Lự phóng tầm mắt đến các ngọn Hy Mã, Ðộng Sen, Núi Rô nằm trong dải Hồng Lĩnh 99 ngọn non tiên các bậc cao niên của làng, xã vẫn kể cùng con cháu truyền thuyết Vua Hùng đã từng chọn Hồng Lĩnh để đặt kinh đô trước khi về Bạch Hạc. Và câu chuyện 100 con voi - ứng 100 ngọn núi - 99 con tụ về Ðất Tổ, một con phản nghịch quay lưng lại với tổ tiên bị gươm thiêng phạt ngang thân, muôn đời vết thương còn rỉ máu như một lời răn dạy. Phải chăng vậy nên, bao đời nay người dân ở dải đất này nuôi chí chinh phục đỉnh núi Hồng Lĩnh ghi lòng tạc dạ, đời người phải chuyên tâm, bền bỉ ba việc: Cày cuốc, đèn sách và mài gươm - ý nói lao động, học tập và ý chí bảo vệ Tổ quốc.