Chúng tôi in số báo Nhân Dân đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc

Vào khoảng cuối năm 1950, 27 anh em cán bộ, công nhân của xưởng in Quyết Thắng thuộc Liên khu ủy I  có nhiệm vụ in tạp chí Tiến mạnh - tiếng nói của Liên khu ủy đang đóng tại Khe Lá lụa trong rừng thôn Sơn Lung, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, Bắc Giang, được lệnh tháo máy in, đóng gói đồ đạc chuyển lên sáp nhập với Nhà in Việt Hưng để nhận nhiệm vụ mới.

Trải qua gần một tháng, khiêng vác hai máy in mi-ne cùng vài chục hộp chữ và các đồ dùng thiết yếu khác, băng rừng, lội suối, chúng tôi đã đến được địa điểm mới ở Văn Lãng, huyện Ðại Từ, Thái Nguyên - nơi đặt Nhà in Việt Hưng. Ðó là khu rừng già có nhiều cây to che khuất phía trên, có thể làm nhà dưới các tán lá rừng. Nơi đây cách Ðèo Khế chừng ba km đường chim bay.

Có một số cán bộ, công nhân của hai xưởng in Lao Ðộng và Ấn Loát 3, Bộ Tài chính đã đến trước và cùng chúng tôi tập trung đến đây để chuẩn bị cho việc in một tờ báo mới của Ðảng Lao động Việt Nam. Ðầu năm 1951, đồng chí Nguyễn Sĩ Trúc, Giám đốc Nhà in theo lệnh trên chọn một số công nhân xếp chữ, sửa bài, mang theo vài chục hộp chữ và các dụng cụ cần thiết lên vùng an toàn khu (ATK) để xếp chữ, sửa bài, đặt trang ngay gần khu vực Trung ương rồi sau đó vỗ phông chuyển về nhà in đúc thành bản chì để lên khuôn trên máy in. Máy in thì ngoài mấy chiếc mi-ne nhỏ tập trung từ các xưởng in Quyết Thắng, Ấn Loát 3, Bộ Tài chính và Lao động ra, đặc biệt có hai máy in nằm khổ lớn là chiếc Ma-ri-nô-ni điều ở Nhà in Hồng Phong sang và chiếc Pê-đa-lét điều từ Nhà in Tô Hiệu về. Chiếc Ma-ri-nô-ni được chuyển bằng đường bộ nên việc lắp ráp xong từ cuối năm 1950, còn "hành trình" của chiếc Pê-đa-lét thì vất vả hơn: máy được chuyển bằng đường sông từ bến Xuân Vân về Tuyên Quang đến Ghềnh Quýt bị xô bè đứt dây, rơi một thành máy xuống sông. Thợ lặn và dân công tập trung mấy tuần mới vớt được máy lên, nên mãi đầu năm 1951 mới lắp xong, sẵn sàng làm nhiệm vụ in báo Nhân Dân số đầu tiên. Thế rồi, sau những ngày chờ đợi, chúng tôi nhận được các bản phông đúc đã được vỗ phông bồi bằng giấy dó, sấy khô. Khi phông về đến nhà in, thợ đúc lại đúc thành các bản chì phẳng, vì máy đúc cũng chỉ có khổ nhỏ nên phải đúc hai bản mới được một trang báo. Riêng phần thợ in hồi đó có năm người. Vì chúng tôi là thợ in máy in loại nhỏ đặt giấy đứng, nay điều khiển máy in lớn, cách lên khuôn và đặt giấy đều khác, nên trên Nhà in Quốc gia điều cho một chuyên gia về loại máy in này từ Nhà in Tô Hiệu sang dạy chúng tôi cách điều khiển loại máy lớn này, đó là đồng chí Nguyễn Văn Ðô. Năm anh em chúng tôi tuổi còn trẻ, nhanh nhẹn, lại đã biết nghề nên học điều khiển máy mới cũng nhanh. Máy in lúc đó không có động cơ điện mà được kéo bằng trục chuyển động cho cả mấy máy do một máy nổ (đầu máy ô-tô) chạy bằng khí ga đốt bằng than hoa ở một lò đứng cung cấp. Ánh sáng thì bằng cây đuốc nhựa trám được cuốn bằng lá cây to rồi đốt lên, khói mù mịt. Riêng hai máy lớn in báo Nhân Dân thì mỗi máy được trang bị một bóng đèn ô-tô 12 vôn, thắp bằng ắc-quy do chạy máy nổ cung cấp. Khi máy nổ trục trặc không chạy được thì mỗi máy được hai thợ phụ quay tay cho máy in.

Giấy in báo lúc đó là giấy giang, nứa của xưởng giấy Hoàn Tiến ở Tuyên Quang cung cấp, mỗi số báo được in mươi tờ giấy "đặc biệt" như giấy Tân Mai bây giờ, để lưu và chuyển cho một số đồng chí lãnh đạo cao cấp ở ATK. Mực in thì mua gom từng thùng, từng hộp từ vùng Pháp chiếm đóng gửi ra.

Báo Nhân Dân số đầu ra ngày 11-3-1951 có sáu trang, măng-sét trang nhất in đỏ, có hình vẽ  Bác Hồ được khắc bằng gỗ rồi đem in. Tôi còn nhớ, hầu hết số báo đầu tiên phản ánh Ðại hội lần thứ II của Ðảng, đăng Tuyên ngôn của Ðảng Lao động Việt Nam, đường lối chính cương của Ðảng.

Những ngày in báo Nhân Dân số đầu tiên ở Nhà in Việt Hưng đối với chúng tôi vui như ngày hội. Tất cả đều cố gắng hết sức mình để in sao cho tờ báo đẹp và nhanh nhất, thế mà cũng phải mất ba ngày đêm mới xong. Anh em phát hành và quân bưu  ở chân Ðèo Khế cứ có ít báo nào in xong là đóng gói chuyển  đi ngay đến tay bạn đọc càng sớm càng tốt. Từ số hai trở đi, báo chỉ có bốn trang và ra hằng tuần, công việc cũng dần đi vào nền nếp và báo Nhân Dân được in ở Nhà in Việt Hưng cho đến khi hòa bình được lập lại. Từ cuối năm 1954, báo Nhân Dân được in tại Hà Nội ở các nhà in: Tia Sáng, Tê-rê-sa 81 Nguyễn Thái Học, Lê Văn Tân, v.v. lúc đầu hai ngày một số rồi ra hằng ngày.

Ðầu năm 1955, Nhà in báo Nhân Dân được thành lập tại 24 phố Tràng Tiền do đồng chí Lê Ðăng Ninh làm Giám đốc. Phần lớn những người trực tiếp làm báo Nhân Dân ở Việt Bắc như chúng tôi được điều về làm bộ khung quản lý và sản xuất của Nhà in báo Nhân Dân ở Tràng Tiền.

55 năm đã trôi qua, khi tôi viết những dòng này thì báo Nhân Dân đã là số 18.458.  Cán bộ lãnh đạo và công nhân Nhà in báo Nhân Dân cũng đã trải qua năm, sáu thế hệ. Những người trực tiếp tham gia in báo Nhân Dân số đầu nay còn ít, nhiều người không được thấy sự đổi mới tiến bộ của đất nước, của xã hội nói chung và của ngành in, Nhà in báo Nhân Dân nói riêng. Trước đây báo Nhân Dân chỉ được in bằng những máy móc cũ kỹ, lạc hậu công suất thấp 600 tờ/giờ, lại in một mặt, khổ nhỏ, nay thì máy móc hiện đại với đội ngũ lãnh đạo, công nhân có kiến thức, được điều khiển những chiếc máy in công suất hàng chục nghìn tờ/giờ khổ lớn bốn mầu, có thể in tám trang cùng lúc và tôi được biết là lại được in cả tám điểm trên cả nước.

Từ năm 2001, nhân kỷ niệm 50 năm in báo Nhân Dân số đầu tiên đến nay, cứ vào dịp này, khoảng hơn chục anh chị em chúng tôi - những người tham gia in số báo Nhân Dân đầu tiên lại tập họp tại một gia đình ai đó để cùng nhau nâng ly rượu mừng cho sự còn có mặt của nhau (người ít tuổi nhất cũng đã 75, người nhiều tuổi đã trên 85) để tưởng nhớ những người đã khuất và cùng ôn lại những ngày tháng lao động vất vả nhưng đầy tự hào của những công nhân vinh dự được phục vụ việc in báo Ðảng suốt cả cuộc đời công tác của mình.

LÊ THÀNH
Nguyên Giám đốc Nhà in báo Nhân Dân