Tham dự có đồng chí Sonexay Siphandone, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Sommad Pholsena, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng và đại diện hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào.
Phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Lào khái quát tình hình về quan hệ giữa hai nước; nhấn mạnh một số vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào quan tâm.
Thay mặt Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (Viet-Lao BACI), ông Dương Đình Bảng, Chủ tịch lâm thời Viet-Lao BACI cho biết, hiện nay Chính phủ Lào đang sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Lào để thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Viet-Lao BACI đang tái cơ cấu đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động.
Ông Dương Đình Bảng cho biết thêm, các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, cơ chế tỷ giá, kết nối giao thông, hệ thống pháp luật. Kiến nghị đối với Việt Nam, Viet-Lao BACI rất mong tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư dự án theo phương thức Việt-Lào + 1. Đối với Lào, ban hành kịp thời hướng dẫn thực hiện các quy định, luật pháp để các doanh nghiệp và địa phương nắm rõ, thống nhất thực hiện.
Thay mặt cho khối doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang đầu tư tại Lào, ông Lưu Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Star Telecom (Unitel), công ty liên doanh giữa Viettel với một công ty Lào báo cáo cho biết, xác định kinh doanh luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, trong những năm qua, Unitel đã hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Lào 31 triệu USD trong chuyển đổi số và chính phủ điện tử, internet miễn phí cho trường học, xây dựng trường học, trạm y tế, phòng chống Covid-19…
Ông Lưu Mạnh Hà nêu kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam, đề xuất tăng cường phối hợp, hỗ trợ các chương trình, dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đây là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Viettel. Đối với phía Lào, ông Hà đề xuất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Lào được tham gia nhiều hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số của các bộ, ngành và chính phủ. Ngoài các chương trình, dự án có hỗ trợ từ Việt Nam, Unitel sẵn sàng đồng hành cùng Nhà nước và Chính phủ Lào triển khai các chương trình chuyển đổi số theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng phát biểu, cảm ơn sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư tại Lào cả về đường lối, cơ chế chính sách, nguồn vốn.
Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone khẳng định, sau khi nghe các báo cáo, tham luận của các doanh nghiệp, sẽ xem xét để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp; chỉ đạo các ban, ngành trong việc hỗ trợ tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Hiện nay Việt Nam đứng thứ ba trong các nước đang đầu tư và kinh doanh vào Lào với tổng vốn 4,6 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân Lào.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Lào đã tham dự cuộc gặp, thể hiện sự quan tâm lớn của Quốc hội và Chính phủ Lào; khẳng định lãnh đạo hai nước tiếp tục lắng nghe và luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước như anh em một nhà, lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước luôn dành cho nhau sự hỗ trợ, giúp đỡ ở mức cao nhất. Chính vì vậy các thế hệ sau này phải có trách nhiệm gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Có thể thấy, hợp tác kinh tế cũng như kim ngạch thương mại giữa hai nước mặc dù phát triển nhanh trong thời gian vừa qua, nhưng chưa tương xứng mối quan hệ này.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, Lào cũng như Việt Nam đều gặp khó khăn, vì vậy có thể thấy, hiện nay đây là tình hình chung và các doanh nghiệp cần phải thích nghi và cố gắng nhiều hơn nữa; nhận định các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của lãnh đạo và các ban, ngành của Lào, nhiều vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong thời gian vừa qua đã được tháo gỡ một phần. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tập hợp tất cả các ý kiến tại cuộc gặp hôm nay để báo cáo lên lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng với các ban, ngành của Việt Nam, Lào tổ chức hội thảo tại Hà Nội để tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư tại Việt Nam và Lào.
Bên lề cuộc gặp, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nội-Vientiane khẳng định, “là một doanh nghiệp trẻ lập nghiệp tại Lào, chúng tôi rất là phấn khởi và vui mừng được đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm chính thức đất nước bạn Lào. Chuyến thăm ngoài việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước Lào-Việt Nam, chúng tôi, những doanh nghiệp Việt Nam tại Lào rất phấn khởi, cảm thấy tự tin, vui mừng vì có thể thúc đẩy nền kinh tế cho các bạn Lào. Chúng tôi sẽ cố gắng, tự nhủ với mình sẽ phấn đấu góp phần phát triển kinh tế Lào và đẩy mạnh tình hữu nghị đặc biệt của hai nước Lào-Việt Nam”.
Chiều tối nay, sau cuộc gặp với doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có cuộc gặp gỡ với kiều bào, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng như các cơ quan Việt Nam bên cạnh Đại sứ quán.