Đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn có Phó Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Lê Vĩnh Thắng và đại diện cộng đồng bà con người Việt. Phía nước bạn có: ông Andries Gryffoy, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Bỉ - Việt, Chủ tịch Liên minh Bỉ - Việt; ông Samuel Cogolati, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Bỉ tại Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Lãnh sự danh dự vùng Anwerp (Bỉ) de Grand Ry Joseph-Michel.
Các hoạt động với những nội dung quan trọng trong chuyến công tác lần này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EP/EU - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Bỉ cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện với các nước đến thăm; tranh thủ xây dựng quan hệ ở cấp lãnh đạo chủ chốt của nước ta với các nước, thúc đẩy phát triển quan hệ với các chính đảng, mở động đối ngoại nhân dân và triển khai “ngoại giao vaccine”.
Về hợp tác trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam và EU phối hợp tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, ASEM và Liên hợp quốc.
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, Việt Nam và EU đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU 23 (12/2020); làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa hai khu vực qua Công cụ Đối thoại Khu vực EU-ASEAN (E-READI), Sáng kiến Trung tâm giảm thiểu rủi ro CBRN, Sáng kiến Viện nghiên cứu EU-ASEAN; thúc đẩy quan hệ kinh tế thông qua Chương trình hỗ trợ hội nhập vùng ASEAN (ARISE+), đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững ACGF, Chương trình hỗ trợ quản trị rừng FLEGT.
Bên cạnh đó, tăng cường phát triển văn hóa, xã hội qua các dự án như: hỗ trợ di cư an toàn, hỗ trợ phản hồi, bảo tồn sinh học, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, xây dựng các thành phố xanh và thông minh, ứng phó với dịch bệnh,...
Hai bên phối hợp chặt chẽ trong ASEM thông qua đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế tăng cường, thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các dự án tiểu vùng Mê Công - Đa-nuýp cũng như mô hình hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – EU (như mô hình Bến Tre - Tun-chê-a (Romania), Cần Thơ - Ru-sê (Bungaria). EU đã tham gia đồng bảo trợ sáng kiến Việt Nam đề xuất tại HNCC ASEM 12 (10/2018) về “Thúc đẩy phát triển bao trùm kinh tế và xã hội ở châu Á và châu Âu”.
Hai bên cũng tích cực triển khai hiệu quả gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá hơn 800 triệu EUR của EU hỗ trợ ASEAN ngăn chặn sự lây lan Covid-19 và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch; tổ chức hai cuộc “Đối thoại chuyên gia EU-ASEAN về vaccine Covid-19.
Thông qua đóng góp của EU và các nước thành viên cho cơ chế COVAX, dự kiến đến cuối năm 2021, ASEAN sẽ nhận được hơn 32 triệu liều vaccine. Bên cạnh đó, hai bên phối hợp, hợp tác hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hội nhập khu vực và hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế như: biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh năng lượng, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, di cư bất hợp pháp, vấn đề Myanmar....
Trong lĩnh vực thương mại, tính đến hết năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt 55,39 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 40,05 tỷ USD (giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019) và nhập khẩu từ thị trường EU đạt 15,34 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái).
Hiện, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản) của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại thứ 17 của EU và xếp thứ 11 trong số các nước xuất khẩu lớn nhất vào EU (trong các nước châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ).
Trong 7 tháng đầu năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều với EU đạt 32,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu từ EU đạt 9,7 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với Vương quốc Bỉ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bỉ không ngừng phát triển thông qua các hoạt động tiếp xúc chính trị, trao đổi đoàn cấp cao, thành lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế (cấp Chính phủ).
Là thành viên sáng lập Liên minh châu Âu, Bỉ chủ trương và đi tiên phong trong quá trình xây dựng một EU mạnh và nhất thể hóa; triển khai chính sách phù hợp với chính sách chung của EU (trong khuôn khổ Chiến lược châu Âu về an ninh - 2003).
Bỉ đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam và là một đối tác quốc tế đã ủng hộ và đóng góp tích cực vào sự thành công của Việt Nam qua chương trình hợp tác phát triển.
Quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam và Bỉ được triển khai ở các cấp độ, với Nghị viện liên bang, Nghị viện các Vùng và Cộng đồng ngôn ngữ và đạt một số kết quả tích cực, thông qua các chuyến thăm cấp cao, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nghị sĩ và phối hợp trên các diễn đàn nghị viện đa phương (IPU, ASEP, Liên minh nghị viện Pháp ngữ - APF).
Hai bên chia sẻ những nhận thức chung về tiềm năng hợp tác to lớn, sâu rộng trong quan hệ song phương cũng như những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.