Ngày 13-5-1953, Cục Quản lý xuất nhập cảnh với tiền thân là Phòng Quản lý Ngoại kiều và Phòng Công an Biên phòng, được thành lập theo Nghị định số 74 của Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an). Hòa bình lập lại, mặc dù mới được hình thành, số lượng cán bộ ít ỏi, nhưng lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh đã khẩn trương hoàn thành tốt công tác, tiến hành đăng ký quản lý và cấp giấy phép cư trú cho hàng chục nghìn ngoại kiều một cách chặt chẽ, đồng thời phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ phát hiện nhiều âm mưu, ý đồ của các lực lượng thù địch thông qua các hoạt động cài cắm, đưa người vào.
Với chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế của Ðảng và Nhà nước, Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội. Hằng năm, số lượng công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam không ngừng tăng, với nhiều mục đích khác nhau như đầu tư, lao động, du lịch, thăm thân..., quan hệ đối ngoại được củng cố và mở rộng. Bên cạnh những tác động tích cực, lợi dụng chính sách đổi mới của Việt Nam, các thế lực thù địch và tổ chức phản động người Việt lưu vong, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước và nước ngoài thông qua con đường xuất nhập cảnh Việt Nam hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Chúng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để móc nối, tuyển lựa các phần tử trong nước vào các tổ chức phản động; kích động người dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài; đưa người, phương tiện, tài liệu phản động về nước gây cơ sở, tuyên truyền kích động và hoạt động phá hoại cơ sở vật chất, khủng bố, gây rối, âm mưu diễn biến hòa bình... nhằm lật đổ, xóa bỏ chế độ. Các đối tượng, tổ chức tội phạm trong nước và nước ngoài gia tăng các hoạt động tội phạm, hình thành các tổ chức tội phạm quốc tế, xuyên quốc gia gây mất trật tự an toàn xã hội như: tổ chức đưa người di cư trái phép; lợi dụng con đường xuất nhập cảnh để buôn bán người, vận chuyển hàng cấm, buôn bán ma túy, làm ăn bất hợp pháp...
Trước tình hình trên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động, sáng tạo, tham mưu đề xuất Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an nhiều chủ trương, chính sách nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý xuất nhập cảnh; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng An ninh, thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra, góp phần tích cực bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bằng việc chủ động phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ khác trong ngành Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã cùng tham gia đấu tranh thành công nhiều chuyên án quan trọng, ngăn chặn kịp thời các đối tượng nguy hiểm ngay khi chúng vừa xâm nhập vào cửa khẩu sân bay và thực hiện lệnh trục xuất đúng với pháp luật quốc tế.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh là một trong những đơn vị đi đầu của Bộ Công an trong việc cải cách thủ tục hành chính. Cục đã chủ động nghiên cứu và đề xuất cải tiến các quy trình, thủ tục quản lý xuất nhập cảnh, đổi mới các biện pháp, phương pháp công tác có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; trong đó đặc biệt là đã đưa ra được các giải pháp chống phiền hà, ách tắc cho cán bộ, nhân dân trong việc nộp hồ sơ, nhận hộ chiếu. Thực hiện Ðề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã đề xuất giảm hơn 40% thủ tục về xuất nhập cảnh, nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý, phục vụ tốt yêu cầu công tác an ninh; trong đó đã mạnh dạn loại bỏ nhiều thủ tục thuộc thẩm quyền của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh; bảo đảm công tác quản lý xuất nhập cảnh được thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện.
Việc cải cách hành chính đã mang lại những hiệu quả tích cực và được công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài đánh giá cao.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hơn bốn triệu người, tại 103 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong khi đó, vấn đề quản lý di cư và nhận trở lại công dân được các nước, các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm và đề nghị Việt Nam hợp tác giải quyết, nhất là trong giai đoạn nước ta đang thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong những năm qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp chặt chẽ Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng phương án và trực tiếp tham gia đàm phán với các nước về vấn đề nhận trở lại công dân. Quá trình đàm phán, ta kiên trì đấu tranh ngoại giao, mưu trí vận dụng các quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế để thuyết phục. Các nước chấp thuận theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tránh bị các nước ép nhận trở lại công dân với số lượng lớn, ồ ạt . Ðến nay, đã tham mưu cho Chính phủ ký thỏa thuận với 18 nước và vùng lãnh thổ, như: Ðức, Anh, Pháp, Nga, Ba Lan, Séc, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Hoa Kỳ... Thực hiện các thỏa thuận đã ký, trong điều kiện khó khăn về mọi mặt nhưng cán bộ chiến sĩ Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nỗ lực tổ chức thực hiện tốt công tác xác minh, giữ vững nguyên tắc, khôn khéo trong quá trình phối hợp có hiệu quả với cơ quan chức năng các nước trong việc nhận trở lại công dân. Kết quả hợp tác được các nước đánh giá cao, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Ðảng, Nhà nước, đồng thời ổn định được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
LÊ THANH DŨNG
Cục trưởng Quản lý xuất, nhập cảnh