Cùng dự Hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các tỉnh khu vực phía nam, nhất là TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang có diễn biến dịch bệnh rất phức tạp.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung. Đánh giá sát tình hình diễn biến hiện nay, dự báo tình hình sắp tới; đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được khi tiến hành các nhiệm vụ, giải pháp thời gian qua; phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng, phổ biến, học tập để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Từ dự báo tình hình đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, bổ sung các quy định, quy chế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm các điều kiện, phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương nhịp nhàng, hiệu quả, tránh trùng lặp, tránh bỏ sót. Thủ tướng đề nghị trên cơ sở thực tiễn, các đại biểu chia sẻ các kinh nghiệm làm được và chưa làm được; nêu các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành.
“Tinh thần là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết, trước hết, các tỉnh đang có dịch phải ưu tiên số 1 cho việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh; những nơi an toàn, điều kiện cho phép thì phải tổ chức sản xuất thật tốt để thực hiện mục tiêu kép”, Thủ tướng nêu rõ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 34.582 ca, trong đó có 33.909 ca trong nước (98%), 7.547 người đã khỏi bệnh (22%), 100 ca tử vong. Có 11 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.
Trong tuần, cả nước ghi nhận thêm 8.187 ca mắc mới tại 34 tỉnh, thành phố. Các tỉnh có số mắc tăng cao so với tuần trước: TP Hồ Chí Minh (tăng 6.338 ca), Bình Dương (458), Tiền Giang (280), Đồng Nai (222), Đồng Tháp (161), Long An (129), Khánh Hòa (117), Vĩnh Long (114).
Nhận định tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch bệnh trên thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực; đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn; nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao. Trong nước, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đợt dịch này với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành phố.
TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền nam đang có diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục gia tăng. Do dịch bệnh đã lây lan rộng trên địa bàn, nhiều ổ dịch xảy ra tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư đông người nên trong vài ngày tới, tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, trước khi ổn định và từng bước kiểm soát tình hình khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Các tỉnh, thành phố khác tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu vực phía nam (Bình Dương, Long An, Đồng Nai…) cũng tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền trung, miền bắc (từ tỉnh Phú Yên trở ra) số ca mắc mới trong tuần hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Bộ Y tế điều động lực lượng cán bộ y tế, tình nguyện viên (khoảng 10.000 người), với 24 đoàn hỗ trợ các quận huyện tại TP Hồ Chí Minh để khẩn trương triển khai các biện pháp chống dịch.
Bộ đã ban hành hướng dẫn giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh; hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho đối tượng F1.
Tính đến ngày 13/7/2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 14.249.918 lượt người. Trong đó, từ ngày 29/4/2021 đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 10.722.979 lượt người.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về công tác xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, trong đó hướng dẫn thực hiện cả hai phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR; thực hiện gộp mẫu theo nhóm, hộ gia đình và thí điểm gộp mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Hiện đang cách ly 270.665 người, trong đó 3.564 người cách ly tại cơ sở y tế, 77.435 người cách ly tại cơ sở tập trung và 189.666 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tổ chức phân loại, thu dung, phân tuyến điều trị từ tuyến cơ sở tới các bệnh viện tuyến cuối; cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị, tổ chức tập huấn và triển khai mạng lưới trực tuyến tại Bộ Y tế để chỉ đạo chuyên môn, điều phối, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện đang điều trị người bệnh Covid-19. Hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án, triển khai thiết lập bệnh viện dã chiến, chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng thành lập bệnh viện dã chiến phục vụ chống dịch.
Nhằm giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế đang điều trị người bệnh Covid-19 tại một số địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...), Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về quản lý điều trị ca bệnh (F0), trong đó rút ngắn thời gian điều trị tại cơ sở y tế đối với người bệnh không có triệu chứng, ca bệnh phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng, người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện; khi bảo đảm các chỉ số về lây nhiễm và bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, theo dõi tại nơi lưu trú. Hiện đang điều trị 26.935 người bệnh.
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa cho các tỉnh khu vực phía nam. Triển khai các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội tại các tỉnh đang có dịch.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh duyên hải miền trung. Dự báo những ngày tới tình hình phức tạp hơn nếu chúng ta không có biện pháp hiệu quả, mạnh mẽ.
Thời gian qua, các lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã nỗ lực hết mình, nêu gương tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với cấp ủy, chính quyền để bảo đảm sản xuất kinh doanh; kêu gọi, vận động, truyền cảm hứng cho nhân dân, cùng với cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp cũng chia sẻ, tìm biện pháp, đóng góp sức người sức của mua trang thiết bị, sinh phẩm, máy móc, thuốc men để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Mặc dù chủng virus mới Delta lây nhiễm nhanh, rộng, điều kiện cơ sở lại hạn chế, kinh nghiệm chưa nhiều, tuy nhiên TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực đã thực hiện được biện pháp thiết thực.
Cụ thể, thu được kết quả nhất định trong phòng, chống dịch và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; từng bước ngăn chặn lây lan của dịch bệnh. Chúng ta cũng tập trung cứu chữa bệnh nhân lây nhiễm, hạn chế tối đa các ca tử vong, không để nhân dân thiếu ăn thiếu mặc, tích cực giải quyết chính sách cho người lao động, ngươi sử dụng lao động.
Các bộ trưởng, trưởng ngành bám sát diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ các địa phương, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, vào cuộc của doanh nghiệp, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, chúng ta đạt kết quả như trên. Các địa phương đã tổ chức sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất; tình hình trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, ghi nhận biểu dương TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, các bộ, ngành đã làm tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ.
Tuy nhiên, các nơi chưa dự báo được tình hình, chưa dự báo được sự lây lan của chủng virus mới nên bị động, bất ngờ. Cùng với đó là sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của một số người dân. Do đó, cần rút ra bài học kinh nghiệm để vận động nhân dân tốt hơn.
Những vấn đề trên dẫn đến kết quả phòng, chống dịch ở một số địa phương chưa được cao. Khi thực hiện Chỉ thị 16 chưa lượng hết được khó khăn và khả năng đáp ứng của các địa phương nên xảy ra các vấn đề.
Đó là việc đáp ứng yêu cầu về y tế trong phòng, chống dịch có nơi, có lúc lúng túng, bị động, thiếu hụt. Lưu thông hàng hóa có nơi có lúc ách tắc; khan hiếm các nhu yếu phẩm cần thiết, để người dân phàn nàn; sự hướng đẫn của các bộ, ngành chưa đầy đủ; thông tin thiếu phân tích, dễ làm người dân hoang mang, dao động, lo lắng, cộng thêm các phần tử xấu kích động. Do đó, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành nghiêm túc mổ xẻ vấn đề, nghiêm túc khắc phục, làm tốt hơn.
Dự báo tình hình sắp tới, diễn biến ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh còn phức tạp, khó lường, các ca nhiễm còn tăng lên, do đó chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả hơn để kiềm chế, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Các ổ địch trong cộng đồng còn tiềm ẩm, chưa được phát hiện hết. Tình hình an ninh trật tự nếu không có giải pháp tốt sẽ xảy ra bức bách. Do đó phải có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sát tình hình, thực tế hơn.
Việc thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm dẫn đến chủ quan, hậu quả nặng nề hơn. Vì vậy phải có giám sát, kiểm tra, khen thưởng kịp thời, nghiêm minh.
Việc sản xuất, kinh doanh ở các khu công nghiệp, chuỗi cung ứng bị tác động; đời sống của nhân dân bị tác động cả vật chất lẫn tinh thần. Do đó ta cần chủ động, linh hoạt hơn.
Về mục tiêu, chúng ta phải quyết tâm, kiềm chế ngăn chặn đẩy lùi dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ; coi việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, mặc, nhu yếu phẩm trong lúc này; tập trung cứu chữa người bị nhiễm, hạn chế thấp nhất số ca tử vong; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân bất cứ hoàn cảnh nào; giữ vững chặt chẽ biên giới, không để xuất nhập cảnh trái phép; nhanh chóng ổn định tình hình để nhân dân bình thường; bảo vệ vững chắc những cơ sở sản xuất - nơi bảo đảm chuỗi cung ứng.
Thủ tướng đề nghị bám sát các mục tiêu, căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể, đề ra ra quyết sách, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, nhất quán tinh thần "chống dịch như chống giặc", tích cực hiệu quả hơn nữa chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kể cả khi có vaccine, phòng dịch vẫn là cơ bản.
Huy động sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị, cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau thực hiện chống dịch, thực hiện các quy chế, quy trình đã được các cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn. Phát huy tối đa tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành, địa phương.
Mỗi xã, phường, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị phải là pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch.
Phải chủ động xét nghiệm nhanh chóng, bao vây, dập dịch ở những nơi đang có dịch, đặc biệt những nơi dịch diễn biến phức tạp. Thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả, khoa học; không gây phiền hà cho nhân dân, không gây ách tắc giao thông, không gây lây nhiễm trong cộng đồng.
Ứng dụng công nghệ một cách chặt chẽ, rộng rãi; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan cùng doanh nghiệp thực hiện việc này với tinh thần tất cả vì sức khỏe, lợi ích của nhân dân. Huy động sức mạnh của toàn dân, của doanh nghiệp. Nhân đây, Thủ tướng lưu ý phải tích cực chuyển đổi số.
Thủ tướng khẳng định, lúc này TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, không bỏ qua các cơ hội tận dụng được trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chỉ những nơi nào an toàn, đủ điều kiện mới đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng. Tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, bám sát tình hình, căn cứ cụ thể đưa ra giải pháp phù hợp, phát huy tốt đa sáng tạo, chủ động.
Tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của nhân dân, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Tham gia chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của nhân dân. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp phải thể hiện rõ nết là nơi tin cậy của nhân dân; biến khó khăn, thách thức thành động lực trưởng thành, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Kêu gọi nhân dân tham gia ủng hộ, truyền cảm hứng cho nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh. Mỗi xã phường, cơ quan, đơn vị phải là pháo đài chống dịch. Kế thừa, phát huy các biện pháp, thành quả, bài học tốt, điển hình tiên tiến trong chống dịch.
Về công tác lãnh đạo chỉ đạo, phải tập trung xuyên suốt, thống nhất, thông điệp đưa ra phải nhất quán. Tăng cường thẩm quyền trách nhiệm và hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, thành phố phải tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm, có đủ khả năng, đủ dũng cảm giải quyết kịp thời các vấn đề đột phá, bất ngờ, không phải xin ý kiến nhiều.
Nếu tình hình đòi hỏi thì các bộ, ngành cần thành lập Bộ chỉ huy tiền phương để giải quyết nhanh chóng.
Phải thực hiện giao ban hằng ngày để nắm bắt, giải quyết tình hình, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời, xử lý những trường hợp vi phạm hoặc chưa làm tốt. Cấp ủy, chính quyền phải bám sát, nắm vững tình hình, đưa ra biện pháp phù hợp. Phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm, phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không buông lỏng.
Phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ giữ vững nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể. Khiêm tốn, cầu thị, đưa ra biện pháp phù hợp.
Việc chống dịch chưa có tiền lệ, do đó cần đúc rút lại, phải linh hoạt, sáng tạo. Các địa phương có nhiều nguồn lây tập trung khoanh vùng, cách ly sớm, sớm ổn định tình hình. Những nơi an toàn tập trung sản xuất. Những địa phương có ít ca nhiễm thì không để lây lan.
Không để bị động bất ngờ, tận dụng mọi thời cơ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo phương châm "3 tại chỗ”; thành lập các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, công cụ phù hợp; nghiên cứu xây dựng trang mạng ứng dụng công nghệ thông tin để người dân phản ánh mọi khó khăn, vướng mắc trong bất cứ lúc nào, để người dân yên tâm đóng góp, chia sẻ trong công tác phòng, chống dịch.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải không để ách tắc giao thông, không để ách tắc lưu thông hàng hóa. Bộ Công thương làm tốt việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu. Bộ Thông tin và Truyền thông thông suốt các thông tin liên lạc, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường cung ứng, sản xuất hàng hóa, lương thực cho người dân. Bộ Y tế đáp ứng các yêu cầu về chữa bệnh, các vật tư y tế... Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc liên quan tài chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ vấn đề liên quan thủ tục đấu thầu, đấu giá.
Các bộ trưởng thấy tình hình phức tạp có thể vào ngay chỉ đạo trực tiếp; không được để tình trạng ách tắc, thiếu hụt cục bộ. Bảo đảm an ninh trật tự, chống thông tin sai lệch, kích động.
Việc mua sắm căn cứ Luật Đấu thầu để làm nhưng tư tưởng phải thông, phải đặt lợi ích đất nước, bảo đảm sức khỏe của nhân dân lên trên hết, không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thẩm quyền trong tình hình "chống dịch như chống giặc" hiện nay.
Các địa phương phải chủ động hơn nữa về nguồn lực con người, tập huấn, đào tạo, nâng cao, diễn tập nâng cao tay nghề, trình độ quản lý, cán bộ chuyên môn cho sát thực tiễn. Phải chuẩn bị các kịch bản, phương án cao nhất cho tình huống xấu có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Cắt giảm các chi tiêu không cần thiết để tập trung cho chống dịch, mua vaccine. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 68/NQ-CP để hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Trong thời gian áp dụng các Chỉ thị 15, 16 thì phải làm tốt công tác tư tưởng cho nhân dân, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, giảm bức xúc của người dân. Các cơ quan thông tấn, báo chí kịp thời, nhanh chóng đưa thông tin để người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu".
Về vaccine, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả, bổ sung các đối tượng ưu tiên, nhất là các khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân, cảng biển...
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao, làm việc nào dứt điểm việc đó, sớm nhanh chóng chấm dứt dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.