Tỏa sáng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Biệt động Sài Gòn - lực lượng quân đội đặc biệt

Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng (1945 - 1975), thành phố Sài Gòn là thủ đô của chính phủ ngụy quyền, nơi cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều đặt "tổng hành dinh", với chế độ bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt. Công tác đấu tranh vũ trang ở nội thành Sài Gòn, vì thế, không thể sử dụng một lực lượng vũ trang (LLVT) thông thường như ở các chiến trường khác, mà đòi hỏi một lực lượng được tổ chức tinh gọn, có chất lượng chiến đấu cao, nghệ thuật chỉ huy và thực hành tác chiến tài trí, dũng cảm, có hệ thống tổ chức ém giấu lực lượng và cung cấp hậu cần, kỹ thuật công phu. Ðã từng có một lực lượng như thế ở Sài Gòn: Biệt động!

1. Lực lượng biệt động Sài Gòn ra đời trên cơ sở các đội tự vệ chiến đấu, được thành lập ngay sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9-1945.

Ngay sau khi Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ ra lời kêu gọi toàn dân đứng lên cứu nước vào sáng 23-9, guồng máy kháng chiến ở Sài Gòn lập tức được khởi động. Tất thảy tầng lớp nhân dân, từ thanh niên, công nhân, học sinh, nhân sĩ, tu sĩ đến kẻ bụi đời, "anh chị"... đều hăm hở tham gia LLVT chống Pháp. Cùng với sự ra đời của các đơn vị vũ trang ở ngoại thành, các đơn vị vũ trang đặc biệt được thành lập, như: Ban trinh sát, Ban hành động, Ðội cảm tử, Ðội phá hoại, Ðội trừ gian, Ðội ám sát... Họ vừa làm nhiệm vụ tác chiến tiêu diệt địch, vừa làm trinh sát, liên lạc, phát động quần chúng, gây dựng cơ sở. Mỗi người đều có nghề nghiệp ổn định để có điều kiện sinh sống và dễ bề che mắt địch. Năm 1947, các ban, đội nêu trên phát triển thành từng ban công tác Thành. Mỗi ban công tác Thành được tổ chức theo hệ thống ngăn cắt (gồm ban - liên tổ - tổ độc lập), có mạng lưới quần chúng ngoại vi hậu thuẫn về mọi mặt, phân chia phạm vi hoạt động trên từng vùng của thành phố và cơ động theo đối tượng nhiệm vụ được giao. Cuối năm 1949, các ban công tác Thành hợp nhất tổ chức thành Tiểu đoàn quyết tử 950; năm 1951, giải thể Tiểu đoàn quyết tử 950 để tổ chức thành ba đại đội quyết tử ở nội đô (3721, 3824, 3927), một đội đặc công hoạt động trong nội đô; ba đại đội biệt động (2763, 2766, 2300) và hai đội đặc công binh chủng, bố trí trên ba hướng ngoại ô thành phố.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị nêu trên tồn tại và chiến đấu như một LLVT chủ yếu trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Hoạt động của họ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ sở, diệt ác trừ gian, tập kích các công sở, đồn bốt địch, đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị diễn ra sôi động và liên tục, làm rung động hệ thống quân viễn chinh thực dân và bè lũ tay sai ngay tại sào huyệt của chúng. Các trận đánh diệt bọn ác ôn phản động như: trùm mật thám Ba-danh (Bazin), chủ bút báo Phục Hưng Hiền Sĩ, các vụ tiến công kho đạn Thị Nghè, sân bay Tân Sơn Nhất, kho bom Phú Thọ Hòa; các trận đánh thủy lôi trên sông Lòng Tàu, Rừng Sác cùng những tấm gương hy sinh anh dũng như: Nguyễn Ðình Chính, Lan Mê Linh... đã tạo nên những dấu ấn lịch sử về một tổ chức vũ trang đặc biệt hoạt động trong đô thị, sào huyệt của kẻ thù.

2. Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các lực lượng chính trị nội thành được xây dựng lại, tổ chức thành các cánh (theo từng khu vực địa phương và các khối ). Từ đó, tổ chức vũ trang gồm các tổ tự vệ và đội biệt động được tái thành lập.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, các đơn vị vũ trang cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn tập kết ra miền bắc. Số cán bộ, chiến sĩ công tác Thành được phân công ở lại chuyển sang mặt trận đấu tranh chính trị; một thời gian sau, một số bị bắt, tù đày, bị hy sinh, số còn lại chuyển vùng ẩn giấu tung tích, hoặc ra bưng biền lập căn cứ gầy dựng lại các nhóm vũ trang. Từ năm 1961, Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Ðịnh và các đơn vị vũ trang cách mạng được tái lập, trên cơ sở tiếp nhận số cán bộ tập kết trở về cùng số cán bộ ở lại; lực lượng mới ra đời trước và trong phong trào Ðồng khởi. Trong nội đô Sài Gòn, các ngành, các cánh công tác phong trào chính trị (Thanh niên, Học sinh, Hoa vận, Phụ vận, Binh vận, Tuyên huấn... ) tổ chức các tổ, liên tổ tự vệ mật, đồng thời rút một số thanh niên ra căn cứ bàn đạp huấn luyện thành chiến đấu viên, cán bộ quân sự nội thành. Từ đó, sáu đội biệt động Thành (159, 65, 66, 67, 68, 69) của Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh ra đời và hoạt động. Các đội biệt động tổ chức thành hai lực lượng: lực lượng trực tiếp chiến đấu (gồm các tổ, nhóm hoạt động độc lập, hoặc có phối hợp trong tác chiến); lực lượng công tác bảo đảm (gồm những cán bộ và gia đình cơ sở trung kiên từ nội thành ra vùng ven và các tỉnh, cả ở nước ngoài, bố trí thành nhiều tuyến, với một hệ thống hành lang, với các điểm nút, bàn đạp, căn cứ. Hoạt động trên hệ thống hành lang này là đội ngũ giao liên công khai, bán công khai và bí mật làm nhiệm vụ chuyển tin, đưa đón bảo vệ cán bộ, vận chuyển vũ khí, tài chính...).

Vừa xây dựng, lực lượng biệt động Sài Gòn vừa tổ chức hàng loạt trận tập kích, gây tiếng vang lớn. Từ năm 1963 đến 1967, là thời kỳ hoạt động vang dội nhất của Biệt động Sài Gòn. Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, lực lượng biệt động được giao nhiệm vụ đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Cuộc tập kích được triển khai đồng loạt vào lúc hai giờ sáng ngày mồng 2 Tết Nguyên đán. Các đội biệt động số 3, 4, 5, 6, 7, 9, 11 tiến công Dinh Ðộc Lập, Tòa Ðại sứ quán Mỹ, căn cứ Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Ðài phát thanh Sài Gòn, căn cứ Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, lực lượng hỗ trợ thanh niên, sinh viên Sài Gòn và các tiểu đoàn mũi nhọn đã không có mặt để tiếp ứng kịp thời theo kế hoạch. Các đơn vị biệt động sau khi tập kích, đột nhập vào bên trong các mục tiêu, đã đơn thương độc mã chiến đấu cho đến khi hy sinh, hoặc bị địch bắt gần hết. Chỉ một số rất ít thoát trở về căn cứ. Sau ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết, các lực lượng biệt động và đặc công ở Sài Gòn - Gia Ðịnh được tổ chức lại, thành Lữ đoàn Ðặc công - Biệt động 316. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, Lữ đoàn đã phối hợp các đơn vị đặc công của Miền, cùng LLVT địa phương mở các hành lang nông thôn dẫn vào thành phố; khống chế và chiếm một số mục tiêu quan trọng được phân công; đánh, chiếm giữ các cầu quan trọng trên các trục lộ giao thông chính vào nội thành Sài Gòn, hướng dẫn các binh đoàn chủ lực cơ động đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố; tham gia giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ các tổ chức chính quyền mới được thành lập ở cơ sở.

3. Tồn tại và hoạt động trong lòng quần chúng ở nội đô, với phương châm lợi dụng sơ hở của địch, lấy ít đánh nhiều, tập kích nhanh rút gọn, với lối đánh độc đáo biến hóa, bí mật bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, hành động mưu trí quả cảm, xuất quỷ nhập thần, lực lượng biệt động đã chiến đấu có hiệu quả ngay giữa trung tâm đầu não Sài Gòn, trở thành nỗi kinh hoàng của Mỹ- ngụy trong suốt cuộc chiến tranh. Hoạt động của họ đã góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực cao cấp của địch, phá hoại nhiều cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của chúng; phá vỡ âm mưu, hạ uy thế và gây hoang mang cho quân địch ngay ở cơ quan chóp bu; kích thích tinh thần của quần chúng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị ở nội đô, tạo điều kiện cho quần chúng ven đô đấu tranh với địch; phối hợp các chiến trường trên toàn miền nam.

Lịch sử biệt động Sài Gòn gắn liền những chiến công mà ý nghĩa vượt khỏi phạm vi một trận đánh thông thường ở các mục tiêu: rạp chiếu bóng Kinh Ðô, tàu Card, cầu Công Lý, khách sạn Brink, khách sạn Caravell, khách sạn Metropole, cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Ðộc Lập, Ðại sứ quán Mỹ, dinh thự Bộ Tổng tham mưu ngụy... gắn liền những tên tuổi mà cuộc đời và chiến công của họ đã đi vào huyền thoại, như Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Tăng, Trần Văn Ðang, Trần Phú Cương, Lâm Sơn Náo, Nguyễn Thanh Xuân, Lê Văn Việt, Ðỗ Tấn Phong, Ðoàn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Trang...

Do đặc điểm hoạt động đơn tuyến ở địa bàn sào huyệt của kẻ thù, không ít chiến sĩ biệt động ngày nào chưa được minh định công trạng và tưởng thưởng xứng đáng. Dù vậy, những chiến công của họ đã âm thầm lát những viên gạch nhỏ trên chặng đường 70 năm lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.