Bác Hồ với Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1

Tháng 3-1946, Cục Quân huấn được thành lập. Tôi được cử làm Cục trưởng. Lúc đó, lực lượng vũ trang cách mạng còn non trẻ. Nhu cầu về cán bộ chỉ huy trung đội, đại đội có kiến thức cơ bản về quân sự là rất lớn. Cục Quân huấn được trao nhiệm vụ nghiên cứu dự án thành lập một trường quân sự đáp ứng đòi hỏi trên và trình lên Bác.

Bác cho mời anh Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Quốc phòng, và tôi tới làm việc. Bác cho biết đề án cơ bản là được và chỉ thị: "Ðây là trường quân sự đầu tiên theo khuôn phép nhà binh chính quy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phải tổ chức tốt, quản lý tốt, dạy tốt, học tốt, tập luyện tốt. Phải có quy củ, có nền nếp, thành truyền thống. Về giáo viên, các chú cần nghiên cứu chọn lọc cái nào hay, tốt, phù hợp với ta thì ta áp dụng, đồng thời không được quên nền quân sự truyền thống quý giá của nhân dân ta là "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

Về tên trường thì nên thay tên "Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam" bằng tên "Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn".

Khi các công việc chuẩn bị trường sở, giáo viên, học viên, tài liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật đã xong, Bác hỏi:

- Bộ Quốc phòng định tổ chức lễ khai giảng như thế nào?

Anh Bửu thưa:

- Chúng cháu định tổ chức lễ khai giảng theo nghi thức quân đội chính quy và kính mời Bác đến chủ trì.

Bác lại hỏi:

- Bộ định mời những ai tới dự?

- Thưa Bác, chúng cháu định mời tất cả thành viên trong Chính phủ.

Bác bảo:

- Phải mời thêm các đại diện của Ban thường trực Quốc hội, của Mặt trận Việt Minh, của Hội đồng liên hiệp quốc dân, các Hội Cứu quốc, các đại diện các tôn giáo ở Trung ương, Bộ Tư lệnh khu 2, chính quyền, các đoàn thể tỉnh Sơn Tây và các nhà báo.

Lễ khai giảng được tổ chức rất trọng thể đúng vào sáng chủ nhật 26-5-1946. Ðoàn quân nhạc lễ phục mới tinh. Ban giám hiệu, các giáo viên và học viên đồng phục chỉnh tề. Các quan khách đến dự lễ được hướng dẫn từ cổng trường đến lễ đài. Riêng Bác đến lúc nào và bằng đường nào, ít người được biết. Bác đến hiệu bộ từ sớm gặp anh Hoàng Ðạo Thúy, hiệu trưởng, và anh Trần Tử Bình, hiệu phó chính trị viên, rồi cùng với hai anh đi xem nhà bếp, nhà ăn, phòng ngủ, nơi học tập... Ði đến đâu, Bác cũng hỏi anh em có mặt tại đấy về tình hình ăn uống, tập luyện, sức khỏe, tinh thần... của anh em. Bác hài lòng về tổ chức của trường. Sát giờ khai giảng, Bác mới đến lễ đài. Sau lễ chào Quốc kỳ, Bác từ lễ đài xuống sân, đi thẳng đến bộ phận tiếp nhận cờ truyền thống. Bộ phận này gồm sáu học viên đứng thành hai hàng ngang. Hàng đầu có ba học viên ba miền Trung, Nam, Bắc. Tôi cầm cờ đi sau Bác. Bác dừng lại trước học viên quê ở miền Nam đứng giữa, tôi tiến lên đưa thẳng lá cờ cho Bác. Bác cầm lấy và trao lá cờ truyền thống. Anh học viên giương lá cờ lên cao. Dòng chữ "Trung với Nước, Hiếu với Dân" Bác tặng trường làm cờ truyền thống thêu bằng chỉ vàng óng ánh dưới ánh sáng mặt trời. Ðoàn quân nhạc cử "Tiến quân ca". Học viên bồng súng chào. Bác đứng nghiêm nhìn lá cờ xong mới trở về lễ đài, đi thẳng đến mi-crô:

- "Trung với Nước, Hiếu với Dân" là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia của nước ta. Trung với Nước, Hiếu với Dân là đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Lợi ích cơ bản nhất và cấp thiết nhất của nhân dân ta lúc này là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Phải hết lòng hết sức đấu tranh để thật sự đạt được lợi ích đó. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, phải yêu nước, yêu đồng bào, yêu bộ đội của mình. Phải có đạo đức: trí, nhân, dũng, cần, kiệm, liêm, chính. Phải nhìn rộng suy kỹ, biết nuôi khí dân, biết định khí quân. Học phải đi đôi với hành, học để mà hành, hành để mà học, có học có hành mới có tiến bộ.

Người dạy tiếp: "Làm người cán bộ phải siêng năng. Trời sinh ra con người, ai cũng có ngũ quan. Nhưng người cán bộ có chỗ khác là biết tận dụng ngũ quan để làm việc cho cách mạng, cho nước cho dân. Mắt phải siêng nhìn sát thực tế, quan sát kỹ lưỡng tình hình, mũi phải siêng ngửi thấy những vấn đề mới mẻ, tai phải siêng nghe các ý kiến anh em, bè bạn, đồng chí, cấp trên, còn phải nghe cả địch nữa để dễ bề đối phó, tay phải siêng làm lao động, chân phải đi sát quần chúng, đi sát bộ đội. Người ta có hai mắt, hai tai, hai tay, hai chân nhưng chỉ có một mồm nên cần ít nói, nói những điều cần thiết, mà đã cần thiết thì nói đi nói lại trăm nghìn lần cũng vẫn phải siêng, càng có lợi cho cách mạng.

Cuối tháng 10-1946, vừa từ Pháp về, trong tình thế ở Hải Phòng và Hà Nội rất căng thẳng, Bác tranh thủ lên thăm trường lần thứ hai đúng vào lúc cả trường đang chuẩn bị kết thúc khóa 1. Lần này, Bác nhắc các chú đôi điều:

- Các chú phải quán triệt "Quân sĩ nhất trí", cán bộ phải thương yêu đội viên, phải là người anh, người bạn của đội viên.

- Các chú phải nắm vững tinh thần "quân dân một lòng" không ngừng tăng cường tình đoàn kết cả nước. Ðối với nhân dân, phải nhớ "Dân là chủ", phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ.

- Các chú phải hết sức nghe mệnh lệnh của Chính phủ vì Chính phủ ngày nay là Chính phủ của nhân dân mà các chú là cán bộ của Chính phủ, phải hết sức giữ gìn chớ để quá tả mà cũng đừng quá hữu.

- Ðối với quân địch phải kiên quyết dũng mãnh trong chiến đấu, nhưng khi chúng đã hạ vũ khí đầu hàng hoặc bị bắt, bị thương thì phải đối xử nhân đạo.

Ðầu tháng 12-1946, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn làm lễ bế giảng khóa 1. Cán bộ, giáo viên, học viên của Trường hăm hở lên đường chiến đấu ngay từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc.