Những người Gia Rai đánh giặc

Tôi vẫn nhớ buổi sáng hôm ấy. Trong căn nhà ấm áp, bên cạnh tách trà thơm lừng và phía bên ngoài song cửa mưa bay bay, phố núi Pleiku trắng nhòa. Bác Nay Phin chậm rãi kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện thú vị về tính cách dũng mãnh của đồng bào các dân tộc nơi đây nghe theo lời dạy của Bác Hồ, lời khuyên của những cán bộ Việt Minh một lòng kiên cường tập hợp lực lượng tìm cách đánh thực dân Pháp.

Ông nhớ lại: "Không biết tự bao giờ, dân làng Tây Nguyên có một ý chí thẳng như cây rừng và tâm hồn cũng nhẹ nhàng, tươi mát như mầu lá xanh non. Họ sống thủy chung với bầu trời, mầu đất ba-zan đã nghìn đời. Năm 1940 họ đã sẵn sàng tư thế tham gia kháng chiến. Ở A Dun Pa có người thầy, người anh đáng kính cầm đầu là Nay De; còn ở Pleiku có tôi, Rơ Thép... vận động bà con dân làng, chủ yếu là đám thanh niên tiến về đập phá sở quan Pháp, lập nên Ủy ban hành chính tỉnh Gia Lai vào ngày 23-8-1945. Trụ sở chính quyền của nhân dân cách mạng lần đầu tiên được xây dựng, củng cố và ổn định hoạt động đến cuối năm 1946 thì rút về Bình Ðịnh".

Ông Nay Phin.

Ông Nay Đe.

Những năm đầu 1940, ông Rơ Chăm Briu dạy học tại trường Pháp - Gia Rai (đặt tại Pleiku), sau đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại vùng Cheo Reo. Ông là nhà giáo - chiến sĩ cách mạng liên tục hoạt động cách mạng chống Pháp và chống Mỹ; từng bị địch bắt tù đày ở Buôn Ma Thuột, Kon Tum. Một hình ảnh đấu tranh sinh động và trực diện với một tên quan Pháp, làm cho ai cũng nể phục ông.

Một buổi sáng trên hành lang trường Tiểu học Pháp - Gia Rai Pleiku. Tên PhilipAngtoan thả những bước đi nặng nhọc với thái độ bực tức lộ rõ trên khuôn mặt. Gặp Rơ Chăm Briu ngay trước cửa lớp, Philip quát:

- Mày coi chừng! Tao sẽ đuổi mày ra khỏi trường. Tại sao mày ngủ với học sinh? Nếu mày sợ lạnh thì đi về!...

Do trời Pleiku lạnh mà Briu chỉ có áo ngắn tay, quần cộc cho nên Briu tối ngủ chung với các em học sinh nam cho cùng ấm. Rồi lại lần khác:

- Mày không được chơi bóng với học sinh và cõng lũ nhóc trên lưng như thế. Mày phải biết: Giáo viên là không được làm như vậy?...

Briu vẫn cố nhịn. Có một lần Briu phát hiện trong gạo của học sinh có cát, các em ăn không được. Bực tức, Briu đã bảo với học trò mình mang mâm cơm có cát lên cho Chánh sứ ăn.

- Tại sao mày dạy học sinh làm như thế? Tao sẽ ê mặt với Chánh sứ? - Philip quát to và nhìn Briu bằng con mắt gian xảo, hận thù.

Lòng Briu như bốc lửa, hận lắm và về nhà nghĩ: gạo ở đây là gạo của mẹ cha, đồng bào mình làm ra, lại còn phải đóng thuế. Vậy mà bọn Pháp cho học sinh ăn cơm có cát (!). Ðây là dịp có cơ sở để giải thích cho dân làng hiểu rõ hơn: "Thực dân Pháp thực chất là gian ác. Bà con mình phải hiểu rằng chúng đến đây là để đánh đập, hãm hiếp dân ta. Chúng ta phải đoàn kết lại, nhiều cánh tay làm ra sức mạnh để đánh đuổi bọn chúng đến cùng...".

Người dân Tây Nguyên đã đánh giặc giữ nước như thế. Hơn ai hết, họ hiểu được rằng một cành cây, giọt nước ở đây đã là "quê cha, đất tổ" cần phải được bảo vệ, nâng niu và không một ai có quyền xâm phạm. Chính từ ý thức cộng đồng bao nhiêu năm hun đúc nên tính cách kiên cường, bất khuất trong họ. Dân làng cho đến giờ vẫn còn kể lại: Chiến dịch đông xuân 1946- 1947 đồng bào khắp các buôn làng đã ủng hộ hàng trăm tấn thóc, hàng trăm trâu bò, xây dựng phong trào "làm rẫy kháng chiến" để đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho bộ đội, dân công ăn no chiến đấu phục vụ chiến trường.

Ông Ksor Ní.

Ông Ksor Krơn.

Ðáng ghi nhớ là ngày 19-4-1946 tại Pleiku đã diễn ra một sự kiện trọng đại: Dân tộc thiểu số miền Nam đã tổ chức trọng thể Ðại hội "Ðoàn kết đánh Pháp" với hơn 1.000 đại biểu là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tại miền Nam đã gặp mặt và thảo luận, bàn bạc nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng: đón thư của Hồ Chủ tịch và nghe những lời dạy ân cần, khẩn thiết chứa đựng một tình yêu bao la của Người đối với dân tộc, với vận mệnh đất nước và nhất là, tấm lòng thương yêu vô hạn, sẻ chia, động viên đồng bào Gia Rai, Ba Na, Ê Ðê, Kinh... đã chịu nhiều gian khổ vẫn một lòng tâm nguyện theo Ðảng. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh chiến tranh vẫn thể hiện tính cách hy sinh trong kháng chiến, cống hiến trong gian lao, thiếu đói vì một nền độc lập ngày mai tươi sáng.