Đánh thắng "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ

 
Trong lịch sử chiến tranh xâm lược Việt Nam kéo dài 21 năm (1954 - 1975), đây là nỗ lực quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ. Với ưu thế về số quân, vũ khí hiện đại và dồi dào, khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, lại chiếm ưu thế  áp  đảo  trên  không,  trên  sông, trên biển, giới lãnh đạo nước Mỹ ngày ấy vững tin vào một thắng lợi dễ dàng và nhanh chóng.

Bắt đầu từ đó, chiến tranh lan rộng ra cả hai miền nam - bắc với cường độ vô cùng ác liệt. Ở miền nam, các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, thiết đoàn thiện chiến và khét tiếng của quân đội Mỹ gấp rút triển khai lực lượng và thế trận, ráo riết mở các cuộc hành quân "tìm - diệt" chủ lực Quân giải phóng miền nam... Trên miền bắc, không quân Mỹ đêm ngày bắn phá hệ thống các mục tiêu cả quân sự và dân sự hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền bắc vào miền nam, uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta.

Hỗ trợ cho nỗ lực quân sự ở miền nam, đế quốc Mỹ còn đẩy mạnh chiến tranh đặc biệt ở Lào, liên tiếp gây sức ép hòng buộc Vương quốc Cam-pu-chia từ bỏ đường lối trung lập, ngả theo quỹ đạo của Mỹ. Trên thế giới, Mỹ ra sức lợi dụng rạn nứt trong phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt giữa hai nước Liên Xô, Trung Quốc, hòng làm suy yếu mặt trận quốc tế ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. Trong khi đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam, chính quyền Mỹ đồng thời triển khai các hoạt động ngoại giao hòng đánh lạc hướng dư luận, che giấu âm mưu và hành động xâm lược ngày càng trắng trợn ở Việt Nam.

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đây là thời kỳ quân và dân ta phải trực tiếp đương đầu với một lực lượng quân sự khổng lồ bao gồm lục quân, không quân, hải quân Mỹ. Ngày đó, cả thế giới dõi theo tình hình chiến sự ở Việt Nam với sự lo ngại rằng, Việt Nam có đương đầu được với quân Mỹ hay không? và liệu cuộc chiến ở Việt Nam có được kiểm soát hay sẽ lan rộng thành chiến tranh khu vực, chiến tranh thế giới? Thực tế cho thấy, thời điểm năm 1965, việc đánh bại đội quân viễn chinh Mỹ, để qua đó bẻ gãy ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ là chưa có tiền lệ trong lịch sử. Ðây rõ ràng là một thử thách lớn, mang ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh đất nước, đặt ra cho toàn dân tộc Việt Nam.

Trước tình hình cuộc chiến leo thang và lan rộng ra khắp cả nước, Hội nghị T.Ư 11 (tháng 3-1965) quyết định chuyển miền bắc từ thời bình sang thời chiến. Tại Hội nghị quan trọng này, trên cơ sở lượng định rằng, quân và dân ta đang phải đương đầu với cuộc chiến tranh trong khuôn khổ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ ở mức độ cao, bao gồm trong đó một số nhân tố manh nha của chiến lược "Chiến tranh cục bộ" nên Hội nghị T.Ư 11 cũng mới chỉ đề ra nhiệm vụ cho toàn quân, toàn dân ta tập trung đánh bại nỗ lực quân sự của đế quốc Mỹ trong khuôn khổ "Chiến tranh đặc biệt". Còn như, việc chính thức hạ quyết tâm đánh thắng "Chiến tranh cục bộ" thì phải tới tháng 12-1965, khi Hội nghị T.Ư 12 được triệu tập. Khoảng giữa hai kỳ Hội nghị đó, chiến sự leo thang với mức độ chóng mặt trên cả hai miền nam cũng như bắc.

Trước âm mưu và hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, ngày 20-7-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng và chí khí chiến đấu, tăng cường đoàn kết, ra sức thi đua sản xuất và chiến đấu. Người khẳng định quyết tâm của toàn Dân tộc ta: "Ðứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền bắc và đồng bào miền nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn".

Thực hiện Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta vững tin bước vào cuộc chiến đấu mới. Miền bắc chuyển nhanh từ thời bình sang thời chiến: chuyển hướng về tư tưởng, về tổ chức, về kinh tế; tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ  trang ba thứ quân. Vượt qua những thử thách, khó khăn của một hậu phương đang trong quá trình chuyển từ thời bình sang thời chiến, quân và dân miền bắc vươn lên đánh trả có hiệu quả máy bay, tàu chiến Mỹ; duy trì và ổn định sản xuất, đời sống; giữ vững mạch máu giao thông, tăng sức chi viện cho tiền tuyến miền nam. Tuyến vận tải chiến lược nhanh chóng được mở rộng, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường.

Ở miền nam, đồng thời với việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trước chuyển biến của tình hình mới nhằm ổn định tư tưởng, rèn luyện ý chí chiến đấu, lãnh đạo chỉ huy các chiến trường, các mặt trận, các địa phương gấp rút tăng cường lực lượng, tổ chức lại thế trận. Ðược sự tăng viện từ hậu phương miền bắc, khối chủ lực Quân giải phóng lớn mạnh lên nhanh chóng. Từ 10 trung đoàn bộ binh năm 1964, đến những tháng cuối năm 1965, khối chủ lực của ta trên chiến trường miền nam đã tăng lên 5 sư đoàn, 11 trung đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật, được trang bị tương đối hiện đại; được bố trí hợp lý trên những hướng chiến lược trọng yếu. Lực lượng vũ trang địa phương và dân quân, du kích tại chỗ cũng được củng cố và phát triển, hoạt động xen kẽ với địch, hỗ trợ trực tiếp cho phong trào đấu tranh chính trị và chống phá "bình định" của nhân dân các địa phương. Ở vùng ven đô thị, ta bố trí các đơn vị đặc công, các tổ đội pháo cối chuyên trách có nhiệm vụ đánh vào hậu phương, hậu cứ, cơ sở hậu cần... của địch.

Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao trên khắp ba vùng chiến lược, ngay từ khi quân Mỹ vừa triển khai lực lượng, theo chủ trương của Ðảng, quân và dân ta ở miền nam đã tổ chức những trận đánh phủ đầu quân Mỹ. Các trận tiến công quân Mỹ ở Núi Thành (tháng 5-1965), Vạn Tường (tháng 8-1965), Plây Me (tháng 11-1965), Ðất Cuốc, Bầu Bàng (tháng 11-1965)... được mở ra và giành thắng lợi đã giáng đòn phủ đầu mãnh liệt vào quân xâm lược, hạ uy thế của chúng, đồng thời củng cố và tăng cường quyết tâm kháng chiến của quân và dân ta.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình trên chiến trường, trong nước và trên thế giới có liên quan tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, tháng 12-1965, Hội nghị T.Ư lần thứ 12 (khóa III) nhận định: Ngày nay, mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền nam hàng chục vạn quân đội viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch cũng không thay đổi lớn. Tuy cuộc chiến tranh ngày càng trở nên gay go, ác liệt nhưng nhân dân ta đã có cơ sở vững chắc để giữ vững chiến lược tiến công, tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường; có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch. Hội nghị đề ra nhiệm vụ chung: "Ðộng viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào để bảo vệ miền bắc, giải phóng miền nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta cần cố gắng vượt bậc, tập trung lực lượng của cả nước, kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai trên chiến trường chính là miền nam". Hội nghị chỉ rõ phương hướng giành thắng lợi trong cuộc đụng đầu lịch sử với quân viễn chinh Mỹ là: trên cơ sở tiếp tục quán triệt phương châm đánh lâu dài, "cần cố gắng đến cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền nam". Ðể đạt được mục tiêu giành thắng lợi quyết định, cần tiếp tục kiên trì phương châm đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tranh thủ cao độ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 12, quân và dân ta trên cả hai miền nam-bắc nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng vượt qua những thử thách lớn lao, bền lòng chiến đấu, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trên miền bắc, quân và dân ta đã giáng trả mạnh mẽ các bước leo thang của không quân và hải quân Mỹ, bắn hạ 3.234 máy bay hiện đại, bắn cháy, bắn chìm 143 tàu chiến Mỹ trên vùng trời và ngoài biển khơi miền bắc. Trong khói lửa chiến tranh, miền bắc tỏ rõ là một hậu phương được tổ chức chặt chẽ, vững bền; cùng một lúc vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa tăng sức chi viện mạnh mẽ, liên tục và toàn diện cho tiền tuyến lớn miền nam.

Ở miền nam, quân và dân ta đẩy mạnh chiến lược tiến công, giữ vững quyền chủ động chiến trường, phát triển mạnh mẽ thế trận và lực lượng chiến tranh nhân dân, liên tiếp bẻ gãy hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" của địch trong hai mùa khô năm 1965-1966 và năm 1966-1967. Phát huy thắng lợi lớn và toàn diện đã giành được, quân và dân ta tiến lên mở cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, giáng một đòn bất ngờ và mãnh liệt vào cố gắng chiến tranh đang lên tới đỉnh cao của đế quốc Mỹ trên chiến trường, làm lung lay ý chí xâm lược của giới lãnh đạo cao cấp Mỹ bên kia bờ đại dương, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc đế quốc Mỹ dù còn rất ngoan cố và hiếu chiến vẫn phải công khai tuyên bố đơn phương xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền nam, ngừng ném bom miền bắc, cử đại diện đi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, khởi đầu quá trình đi xuống về chiến lược trong cuộc chiến tranh xâm lược của họ ở Việt Nam...

Ðại úy NGUYỄN VĂN QUYỀN
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)